Với
nét mặt ủ rũ, chị T. (Biên Hòa) cho biết: “Nghĩ là sẽ có một đêm tân
hôn ngọt ngào và hạnh phúc nhất đời. Nhưng chua xót quá, vừa hết tiệc là
anh ấy đã chạy ngay vào phòng đếm tiền mừng rồi đòi giữ hết, thậm chí
còn giấu đi”. Vì không thể tưởng tượng được người chồng mà mình sẽ chung
sống suốt đời lại trọng tiền như thế, chị quyết định “chia tay sớm bớt
đau khổ”.
Tương
tự như chị T., nhưng anh B. (Mai Dịch) lại càng đau khổ hơn khi tận tai
nghe người vợ vốn nghĩ hiền lành mà mình hằng yêu quý khẩu chiến với ba
mẹ ruột về việc chia tiền mừng. Tuy sau này đã hòa giải, nhưng ấn tượng
của ba mẹ chồng, kể cả anh, đối với thành viên mới trong gia đình đã
trở nên khác xưa nhiều. Vẫn còn ở chung với nhau, nhưng anh B. cho biết:
“… cái tình cảm khi xưa cũng đã mòn đi rất nhiều theo vụ chia tiền
ấy!”.
Rút
kinh nghiệm từ những cuộc đổ vỡ đã thấy, trước đám cưới, chị M. muốn
nói chuyện với đấng lang quân tương lai của mình về việc chia tiền mừng
cho rõ ràng để tránh những xung đột không đáng. Nhưng cuối cùng chị cũng
dứt khoát “đường ai nấy đi” vì mãi vẫn không thể tìm được tiếng nói
chung, mặc dù đã thông báo ngày cưới cho họ hàng.
Không
chỉ thế, chuyện chia tiền mừng còn lan tầm ảnh hưởng đến cả gia đình
hai bên sui gia. Sau khi cưới, bố mẹ chồng chị L. (Tân Uyên, Bình Dương)
yêu cầu hai vợ chồng giao tiền mừng cho ông bà giữ và “sau này cần thì
đưa”. Không mấy hài lòng nhưng chị L. cũng chiều theo ý người lớn. Có lẽ
vì còn “ức” nên chị về tâm sự với mẹ ruột. Chuyện sẽ chẳng có gì nếu mẹ
chị không “tuyên truyền” với mọi người rằng bên nhà trai keo kiệt,
khiến chuyện đến tai ông bà sui gia. Và thế là những cuộc tranh cãi nảy
lửa xảy ra giữa hai bên. Lúc này chị L. cũng chỉ biết ngậm ngùi: “Biết
thế mình không nói ra để giờ hai bên phải căng thẳng với nhau”.
Giải pháp
Có
khá nhiều giải pháp cho cô dâu chú rể trong việc chia tiền mừng. Tuy
vẫn chưa phải là hoàn hảo, nhưng tốt nhất cả hai nên thống nhất với nhau
và với cả gia đình hai bên.
- Nếu
chi phí tổ chức cưới toàn bộ là tiền của hai bạn bỏ ra, hãy lên danh
sách tiền mừng từ bạn bè của cha mẹ và gửi lại họ. Không nói đến việc có
khả năng được cha mẹ tặng lại hay không, nhưng chắc chắn hành động này
sẽ khiến cho đấng phụ mẫu vui vẻ. Từ đó tạo nên một không khí san sẻ, ấm
cúng và thể hiện sự hiếu lễ cần có trong một gia đình.
- Nếu
cha mẹ hỗ trợ một phần, cô dâu chú rể nên gửi trả lại phần đó. Phần còn
lại trong tiền mừng có thể giữ để bù vào những khoản chi khác.
- Nếu
được hỗ trợ hoàn toàn, các đôi uyên ương nên gửi trả toàn bộ số tiền
mừng cho cha mẹ. Tuy nhiên, trường hợp muốn có một số vốn để gầy dựng
tương lai, cô dâu chú rể có thể trình bày với đấng phụ mẫu. Chắc chắn họ
sẽ hiểu được sự khó khăn của hai vợ chồng mới cưới.
Một
cô dâu sau khi cưới đã chia sẻ kinh nghiệm: “Mình làm một bảng tổng hợp
xem số tiền mừng do khách mời của người thân, bạn bè mình là bao nhiêu.
Nếu đủ để bù lại chỗ tiền tổ chức cưới rồi thì gửi lại cho ông bà, bố
mẹ. Còn nếu chưa đủ bù lại số tiền tổ chức, mình trình bày với bố mẹ để
mong họ thông cảm vì hoàn cảnh của hai vợ chồng khó khăn”.
Vốn,
tiền mừng thay thế cho những món quà chúc phúc của khách mời, để cô dâu
chú rể có thể dùng vào bất cứ mục đích gì cần thiết. Nhưng hãy để nó
vào đúng vị trí của một “món quà”! Đừng vì quá nghĩ đến lợi ích mà khiến
“cô dâu chú rể làm bể bình bông”.