Phân chia việc chi trả cho đám cưới

Vấn đề cô dâu chú rể hay cha mẹ lo chi phí cho đám cưới sẽ quyết định nhiều đến việc tổ chức, lên kế hoạch của bữa tiệc cưới....
Việc phân chia chi trả cho từng công việc trong lễ thành hôn sẽ làm mọi người cảm thấy mình đều đóng góp vào đám cưới. Ảnh: Thái Trung - Pi Studio.
Khi tổ chức đám cưới, chi phí sẽ là vấn đề "đau đầu" nhất đối với các đôi uyên ương. Không phải cô dâu chú rể nào cũng có đủ khả năng để thanh toán toàn bộ các khoản chi tiêu trong ngày trọng đại, nhưng nhờ tới cha mẹ hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ cũng là điều cần cân nhắc vì nó sẽ ảnh hưởng lớn tới kế hoạch đám cưới và phải tính toán sao cho mọi người đều vui vẻ.
1. Bố mẹ chi trả toàn bộ
Từ trước đến nay, người Việt Nam thường có suy nghĩ, là cha mẹ thì phải lo toan cho con cái toàn bộ đám cưới. Ngày cưới, gia đình sẽ hỗ trợ toàn bộ khoản chi phí lo cho việc thành hôn, đãi tiệc. Cô dâu chú rể không phải bận tâm nhiều mà chỉ cần chú ý làm hai nhân vật chính, rạng rỡ chào đón khách mời. Vì không mất chi phí cho đám cưới, nhiều đôi uyên ương cảm thấy vui vẻ nhẹ nhàng, thậm chí họ còn được bố mẹ tặng lại tiền mừng để lo liệu cho cuộc sống sau này.
Tuy nhiên, việc này cũng không hoàn toàn tích cực như nhiều người vẫn nghĩ. Khi bố mẹ là người đứng ra lo liệu chính cho đám cưới, thì các cô dâu chú rể sẽ phải hoàn toàn nghe theo ý kiến của bố mẹ về chương trình lễ thành hôn, số lượng khách mời hay thậm chí cả phong cách tiệc, trang trí. Với những đôi uyên ương không cầu kỳ và chịu thỏa hiệp, việc này có thể không ảnh hưởng nhiều đến đám cưới của họ. Nhưng với các cô dâu chú rể cá tính, muốn thiết kế đám cưới theo ý mình thì đây sẽ là việc không mấy vui vẻ, nhiều khi còn có thể dẫn đến những bất đồng với gia đình.
Cách khắc phục:
Nếu muốn được tự quyết định một số việc trong ngày cưới, cô dâu chú rể nên thuyết phục bố mẹ rằng, hai bạn sẽ thanh toán chi phí cho những phần mà hai người quan tâm nhiều nhất, ví dụ như váy, hoa cầm tay, album ảnh và cả hai sẽ quyết định đến phong cách của những phần này. Tuy nhiên, như vậy đôi uyên ương vẫn sẽ phải nghe theo ý kiến của bố mẹ về phần tiệc, hội trường hay những nghi lễ truyền thống. 
Các cô dâu chú rể không dư dả về tài chính nhưng vẫn muốn giành quyền quyết định các công việc liên quan đến đám cưới có thể chi trả cho những hạng mục nhỏ, vừa sức. Ảnh: Thái Trung - Pi Studio.
2. Tự chi trả
Việc được tự mình lo liệu cho đám cưới là điều mơ ước của nhiều cô dâu chú rể bởi với cách này, họ sẽ có "toàn quyền quyết định" về ngày cưới từ phong cách trang trí, phụ kiện, hội trường, bàn tiệc... Tất cả có thể là sự phá cách hay sự đơn giản theo đúng sở thích, nhu cầu của cô dâu chú rể. Tuy nhiên, việc tự chi trả này chỉ khả thi với những đôi uyên ương có tiềm lực tài chính tốt. Ngoài ra, khi tự lên kế hoạch toàn bộ tiệc cưới, bạn phải có một đầu óc tư duy, sắp xếp công việc hợp lý vì trong quá trình tổ chức đám cưới, sẽ có nhiều áp lực cũng như các vấn đề cần giải quyết.
Khi quyết định là người tự chi trả ngân sách đám cưới, cô dâu chú rể có thể gặp phải "vướng mắc" về phía gia đình, bởi không phải bố mẹ nào cũng ủng hộ kế hoạch mang cá tính riêng của đôi uyên ương, dẫn đến việc bất hòa, không vui vẻ khi chuẩn bị đám cưới.
Cách khắc phục:
Không nên khăng khăng tổ chức đám cưới theo ý mình vì ngày vui không chỉ của cô dâu chú rể mà còn là dịp để gia đình quây quần, hạnh phúc bên nhau. Vì vậy, trước tiên, hãy thuyết phục bố mẹ đồng ý để hai bạn được quyết định phong cách tiệc cưới mà bạn yêu thích. Sau đó, bạn đừng quên tham khảo ý kiến cha mẹ về những phần việc truyền thống như mâm quả, lễ nghi, vì chắc chắn bố mẹ sẽ là người am hiểu lĩnh vực này hơn bạn. Ngoài ra, bạn và gia đình nên bàn bạc, tìm ra những quyết định chung có thể vừa lòng nhiều người nhất có thể, để đám cưới vui vẻ trọn vẹn.
3. Mọi người cùng chi trả, lo liệu cho đám cưới
Để cả gia đình tham gia vào công việc chuẩn bị, và lo chi phí cho đám cưới là cách hợp lý nhất khiến mọi người trở nên gần gũi và vui vẻ hơn. Để thực hiện được việc này, đôi uyên ương phải lên kế hoạch cho từng công việc, từng hạnh mục trong đám cưới, sau đó phân chia những hạng mục cho mọi người một cách hợp lý. Mỗi người trong gia đình sẽ chia nhau chi trả chi phí cho các phần việc đã chọn, ví dụ như cha mẹ lo liệu phần chi phí trang hoàng nhà cửa, còn đôi uyên ương lo phần tiệc và các phụ kiện cô dâu chú rể.
Ngoài ra, hiện nay nhiều đôi uyên ương còn chọn cách tổ chức hai đám cưới, một đám cưới dành cho cha mẹ, họ hàng... và một đám cưới dành riêng cho bạn bè thân thiết. Khi đó, cha mẹ sẽ là người chi trả toàn bộ ngân sách cho đám cưới dành cho các vị khách lớn tuổi, còn cô dâu chú rể sẽ chịu trách nhiệm toàn bộ về đám cưới dành cho bạn bè. Ở mỗi đám cưới khác nhau, ai là người lo chi phí sẽ là người quyết định mọi việc. Điều này sẽ khiến cả cha mẹ và đôi uyên ương hài lòng vì cả hai đều có không gian riêng và được làm theo những ý định của mình.
Đám cưới là ngày vui trọng đại, chỉ có một lần trong đời nên các đôi uyên ương nên cân nhắc, lên kế hoạch sao cho ngày trọng đại diễn ra vui vẻ nhất để ngày cưới luôn là kỷ niệm đẹp với tất cả mọi người.
Linh Phạm
Nguồn: Ngoisao.net
Lên đầu trang