![]() |
Ảnh minh họa: Internet |
Nhầm địa chỉ
Khách
sạn BS, nhà khách TB… ngày nào cũng tiếp nhận gần 10 đám cưới. Hầu như
giờ nào ở đây cũng có liền lúc vài đám cưới ở tất cả các tầng, nhất là
trong những “ngày lành tháng tốt”.
Ở
dưới cổng, khách đã hỏi han rất kỹ, đã nói rõ là đến dự đám cưới của
Thu Trang và Anh Minh rồi. Tầng 4, lên đến nơi, rất đông người, ung dung
ngồi ăn, bắt chuyện rôm rả: “Ôi dào, trước lạ sau quen cả ấy mà”.
Ăn
uống xong xuôi, khách chờ mãi cô dâu chú rể đến để chúc mừng hạnh phúc
kèm thông điệp: “Chú là trợ lý của bố cháu Trang đấy”. Rồi đôi uyên ương
cũng xuất hiện, mọi người nâng ly chúc mừng, không khí tràn ngập tiếng
cười, ai cũng như đang sống bằng “hơi men” trong ngày vui của chính mình
vậy.
“Trang
đã lấy chồng rồi, nhanh thật, mà chú không thể nhận ra cháu nữa đấy,
lớn lên xinh đẹp quá, ra dáng một cô vợ hiền, dâu thảo lắm rồi”. Vẫn
hăng hái trong hơi men, khách quay sang cụng ly chú rể: “Chúc mừng Minh
nhé, anh bạn trẻ, anh thật may mắn, lấy vợ vừa xinh đẹp vừa dịu dàng thì
phải đối xử cho tốt đấy!”.
“Xin lỗi chú, bọn cháu là Oanh - Tùng, chú là…?”. “Đây là tầng mấy? Tầng 3 à? Thôi chết, nhầm!”.
![]() |
Ảnh minh họa: Internet |
Bi hài đòi nợ “cưới”
-
Alô, xin lỗi có phải anh Dũng không ạ? Thật làm phiền anh quá, hôm nay
tôi đi dự đám cưới nhưng lại đến nhầm chỗ hai cháu nhà anh.
- (…)
-
Thành thật xin lỗi anh, đi ăn cưới về rồi mới biết nhầm địa chỉ, Tôi có
quay lại, vất vả lắm mới xin được số của anh. Chẳng là hôm nay con gái
sếp tôi cũng tổ chức ở đó, tôi có món “quà cưới” 1000 đô, ngoài phong bì
ghi rõ: “Chú Thành, phòng kinh doanh công ty AG, mừng hạnh phúc hai
cháu”…
Câu
chuyện không có hồi kết sau khi khách nhận được lời hẹn “hai tuần nữa
tôi sẽ gọi lại cho anh vì các cháu đi trăng mật cả rồi, không mang theo
điện thoại, “quà” chúng nó cầm hết”.
![]() |
Ảnh minh họa: Internet |
Những vị khách “không thiếp mời”
Mùa cưới, không chỉ là mùa làm ăn của nhà hàng khách sạn, còn là mùa “kiếm ăn” của những vị khách không mời.
Quang,
một “người quen” của tất cả các đám cưới lạ. Vũ khí của Quang là bộ
vest rất lịch sự, lại quen biết với vài nhân viên nhà khách nên bao giờ
Quang cũng “nằm lòng” lịch cưới của các cặp uyên ương.
Khách
vào đến cửa, đang lúng túng chọn chỗ, tìm người quen, bao giờ Quang
cũng nhanh nhẹn ra bắt tay, sắp xếp chỗ ngồi rồi cũng tìm cho mình một
bàn để “góp vui”. Trong túi Quang lúc nào cũng chuẩn bị vài cái thiếp,
một ít phong bì… làm vật ngụy trang.
“Chiến” xong, theo đúng kịch bản, Quang sẽ cáo phép đi tiếp khách, chúc các bác ngon miệng rồi “chuồn” thẳng tới đám khác.
Cao
thủ hơn Quang, Đạt không chỉ đến “dự đám” để kiếm ăn mà còn “kiếm
tiền”. Cũng ăn mặc đẹp, cũng bảnh bao, Đạt tự nhiên như người nhà. Bên
đàng trai thấy Đạt thì ngỡ “khách nhà gái”, nhà gái tưởng Đạt là “người
đàng trai”. Vậy là cứ thế bắt tay, nói chuyện, hỏi han và chúc tụng.
“Trong nghề” lâu năm nên Đạt rất tinh tường, chỉ cần liếc qua là biết
những ai đang lúng túng không biết đưa phong bì cho ai khi cô dâu chú rể
còn mải tiếp khách.
![]() |
Ảnh minh họa: Internet |
Thay
mặt các cháu, Đạt nhận “quà”, cảm ơn và không quên tiễn khách ra tận
cửa, sau đó cũng tìm cách cáo lui “hồn nhiên” như khi xuất hiện. Mọi
người cứ vui vẻ, bắt tay, trò chuyện, mấy trăm con người nên ai cũng ngờ
ngợ, hình như thế, mà hình như không phải thế. Nắm được điểm này, Đạt
“làm ăn” rất phát.
Mùa
cưới, mùa của hạnh phúc nhưng bạn đừng vì thế mà lơ là cảnh giác. Hãy
chuẩn bị thật khoa học, lên danh sách rõ ràng số thực khách, phân công
cụ thể người nhà phụ trách khoản đón, tiếp khách, đưa khách tới bàn
tiệc.
Khách
mời cũng vậy, mong các vị tạo thói quen đúng giờ và thận trọng ghi nhớ
thời gian, địa điểm tổ chức đám cưới. Tốt nhất nên hẹn nhau đi cùng, vừa
vui vẻ, vừa “đủ bát đủ mâm”, dễ “quản lý”. Mong rằng ngày vui của uyên
ương sẽ diễn ra trọn vẹn trong sự chứng kiến của tất cả bạn bè, người
thân, đồng nghiệp.
Nguồn: dantri
Bi hài tiệc cưới
