Những cung đường miền Bắc

Du lịch phượt, chụp ảnh cưới phượt đã không còn xa lạ với các bạn trẻ, thế nhưng cùng nhau thực hiện một chuyến trăng mật phượt là điều còn khá mới mẻ đối với các cặp mới cưới. Và nếu có ý định này, một trong những cung đường miền Bắc với núi non hung vĩ, với các loại hoa theo mùa (hoa ban, tam giác mạch, hoa mận, hoa mơ,…) là một gợi ý rất tuyệt.
Ảnh minh họa: Internet
Mộc Châu - Pha Đin - Tuần Giáo
Thông thường để khám phá các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, các phượt thủ sẽ chọn cung đường hấp dẫn như sau: Hà Nội - Mai Châu - Mộc Châu - Sơn La - vượt đèo Pha Đin tới Tuần Giáo - rẽ trái theo quốc lộ 279 đến Điện Biên Phủ - đi Lai Châu bằng quốc lộ 12. Sau đó đi quốc lộ 4D qua Sín Chải - Sìn Hồ - Tam Đường (Phong Thổ - Bình Lư - Than Uyên - Mù Căng Chải - Tú Lệ - Nghĩa Lộ) - đi quốc lộ 32 qua Thanh Sơn Thu Cúc về Hà Nội.
Nằm ở độ cao 1050 m so với mặt biển, cách Hà Nội gần 200 km về phía Tây Bắc theo quốc lộ 6, Cao nguyên Mộc Châu trải rộng ngút ngàn tầm nhìn với những đồi chè, đồng cỏ mênh mông, những đàn bò sữa của thảo nguyên nhẩn nhơ bước trong rừng chiều... Khí hậu là tài nguyên du lịch đặc biệt có tính đặc thù của Mộc Châu. Ở giữa cao nguyên Mộc Châu là một vùng tiểu khí hậu với mùa hè mát mẻ có nhiệt độ trung bình là 20ºC và mùa đông khô ráo hơn các vùng khác. Qua đêm trong lều giữa thảo nguyên lộng gió, chắc chắn sẽ là đem lại cho hai bạn những cảm giác đặc biệt. Nếu không có người hướng dẫn, bạn có thể hỏi thăm những chủ trang trại bò sữa để xin ở lại qua đêm và tham gia những hoạt động dã ngoại. Người dân địa phương hồn hậu và nhiệt tình sẽ đón bạn trong không khí thân tình ấm áp.
Khí hậu là tài nguyên du lịch đặc biệt có tính đặc thù của Mộc Châu
Được mệnh danh là một trong “tứ đại đỉnh đèo” của vùng núi phía Bắc Việt, đèo Pha Đin hay Dốc Pha Đin là đèo núi có độ dài 32km nằm trên quốc lộ 6, một phần thuộc tỉnh Sơn La và một phần thuộc tỉnh Điện Biên.
Với độ cao trên 1000m, khi lên dốc, lúc xuống dốc, con đường ngoằn ngoèo chênh vênh, một bên là vách núi dựng đứng, một bên là vực sâu thăm thẳm, lại nhiều cua tay áo hiểm trở. Vượt đèo Pha Đin là một hành trình thú vị cho du khách trên vùng núi non hùng vĩ. Từ lưng chừng đèo Pha Đin, mây đã vây phủ mờ mịt, dưới chân đèo là lác đác những bản làng. Đứng trên dốc đèo phía tỉnh Điện Biên nhìn xuống ta sẽ thấy thung lũng Mường Quài trải rộng với ngút ngàn màu xanh của đồi núi. Khi lên đến gần đỉnh đèo chỉ còn nền trời xanh thẳm và núi rừng hùng vĩ như hòa quyện làm một. Đặc biệt khi đến đây vào mùa xuân, bạn sẽ có dịp chiêm ngưỡng hoa mận nở trắng trong màn sương mờ ảo.
Vượt đèo Pha Đin là một hành trình thú vị cho du khách trên vùng núi non hùng vĩ
Cảnh trời Tây Bắc thêm phần quyến rũ bởi nhịp sống thanh bình của chợ rừng trên đỉnh đèo. Ánh nắng sớm vàng rực hắt tia khúc xạ trên quẩy mật ong rừng của cô gái Thái mang hàng xuống bán cho du khách.
Hà Giang - Quản Bạ - Đồng Văn
Từ Hà Nội đi Vĩnh Yên rồi theo Quốc lộ 2C đi Sơn Nam, Sơn Dương – Tuyên Quang, uốn lượn quanh co qua những cánh rừng nguyên sinh, thấp thoáng những đồi cọ 320km là đến thị xã Hà Giang, đi tiếp 40km nữa là đến Quản Bạ ngủ đêm. Nếu chu du vào đầu Xuân, còn gì bằng nhấp chén rượu ngô Thanh Vân cùng món thịt gác bếp bên bếp lửa bập bùng Quản Bạ.
Núi đôi đi vào thơ văn ở Quản Bạ
Từ Quản Bạ đi thêm 6 cây số nữa là tới Yên Minh. Qua đây vào tầm 9 giờ 30 sáng mới có cơ hội đón những tia nắng xuyên qua những rừng thông già. Đến Yên Minh, bạn phải dành chút thời gian để thưởng thức món bánh cuốn thật đặc biệt. Bánh cuốn ở Yên Minh khác xa với bánh cuốn Sài Gòn, bánh cuốn làng Kênh Nam Định, bánh cuốn Thanh Trì Hà Nội. Cũng là thứ bánh trược tráng mỏng, mịn bao bọc bên trong là thịt băm và mộc nhĩ. Nhưng thứ nước chấm mới thực sự làm nên sự khác biệt. Được làm từ nước xương hầm kỹ, rau mùi và hạt tiêu, người ta có thể thả cả chiếc bánh vào trong chén nước chấm ấy rồi lùa nhẹ để rồi vương vấn mãi.
Phiên chợ ở Yên Minh
 Tiếp tục hành trình hơn gần trăm cây số, xuyên qua thung lũng Sà Phìn để đến Lũng Cú – nơi cực Bắc của Việt Nam. Lũng Cú mảnh đất địa đầu Tổ quốc được biết đến với nhiều đặc sản như mật ong rừng, chè san và thắng cố. Với những nét độc đáo như nghề dệt thủ công của các dân tộc anh em như dân tộc Mông, Lô Lô, dân tộc Giáy có từ rất lâu đời. Từ Lũng Cú theo một đường tắt hơn 20km để đến trung tâm phố huyện Đồng Văn. Cao nguyên đá Đồng Văn cũng là một địa điểm bạn nên khám phá. 
Từ Đồng Văn xuôi xuống hồ Ba Bể…
Chợ phiên ở Đồng Văn họp định kỳ vào sáng chủ nhật. Ở chợ Đồng Văn, bạn có thể ăn thắng cố và nhâm nhi chén rượu ngô bên những bếp than rực lửa. Dạo chơi quanh khu phố cổ Đồng Văn với những ngôi nhà có hàng trăm tuổi, mái ngói âm dương rêu phong, những bờ rào đá phủ màu thời gian. Từ thị trấn Đồng Văn, đi 20 cây số nữa qua đèo Mã Pì Lèng hiểm trở nhưng hùng vĩ. Có chỗ nghỉ chân giữa đèo để ngắm sông Nho Quế từ đỉnh núi. Men theo đường núi cheo leo, qua những bản Mèo, một rừng đá tai mèo níu chân du khách khi tới Mèo Vạc.
Dòng Nho Quế tuyệt đẹp níu chân lữ khách
Từ Mèo Vạc theo đường 217 tới Bảo Lạc, rồi theo đường 34 tới Tĩnh Túc của Cao Bằng. Bạn nên nghỉ lại một đêm rồi hôm sau từ thị trấn Tĩnh Túc theo đường 212 tới rừng quốc gia Ba Bể thuộc tỉnh Bắc Kạn. Vào ban đêm sương mù dày đặc che kín lối đi, khoảng cách, tầm nhìn phía trước chỉ vài mét vì vậy không nên đi vào lúc trời tối.
Mất chừng hơn ba giờ từ Tĩnh Túc, bạn sẽ tới rừng quốc gia Ba Bể, một di sản thiên nhiên quý giá. Tới hồ Ba Bể, bạn có thể lên thuyền độc mộc thăm thú nhiều thắng cảnh. Theo đường bộ ven sông, du khách có thể thuê xe đạp địa hình dạo chơi các bản làng nguyên sơ của người Tày. Một bản được nhắc đến nhiều đó là Pắc Ngòi. Nơi đây có thể liên hệ với người dân bản địa được ở cùng nhà sàn, ăn cùng món ăn với họ. Gà đồi ở Pắc Ngòi thật khó quên. Gà sau khi làm sạch, luộc qua nước cho vừa độ chín, người ta sẽ chao nhẹ qua một lần mỡ khiến cho lớp da bên ngoài săn lại, thịt bên trong vẫn trắng và mềm. Gà đồi, cải đắng, ăn với cơm trắng và uống chén rượu gạo của người Tày, giấc ngủ trưa qua đi trên nhà sàn yên ả…
Cao nguyên đá Đồng Văn thuộc tỉnh Hà Giang cách Hà Hội 300km và được gọi là “lãnh địa của đá”
Từ  Đồng Văn bạn có thể đi theo quốc lộ 34, ngang qua Bảo Lâm để đến Bắc Mê khoảng 120 cây số. Ở Bắc Mê, bạn có thể chọn đi thuyền đề về đến thác đầu đẳng Hồ Ba Bể. Giá của một thuyền về Ba Bể tầm hơn 6 triệu, có thể chở được cả xe máy. Lênh đênh trên sóng nước, bạn sẽ trải nghiệm cảm giác bồng bềnh mà lãng mạn, cảm giác mịt mù của không khí trên sông khi mặt trời đã đổ từng ánh nắng chiếu lên mặt nước.  Và quan trọng, trên đó, bạn có thể được thưởng thức món lẩu cá trên sông với loại cá chỉ riêng một vùng này mới có. Hành trình trên sông nước, đi qua những dòng chảy ngược, một phụ lưu của sông Lô, chảy theo hướng từ bắc xuống nam, bạn sẽ được chiêm ngưỡng rất nhiều cảnh sắc thiên nhiên đẹp, trải rộng ra trước mặt cả một khoảnh khắc đáng nhớ.
Hà Giang – Bảo Yên - Sapa
Từ Hà Giang bạn có thể qua Yên Bình (Yên Bái) rồi Bảo Yên (Lào Cai), trở ra quốc lộ 70 dài khoảng 126km. Quốc lộ 70 chạy song song với đường tàu hỏa từ Hà Nội đi Lào Cai. Cảnh vật trên đường từ Hà Giang đi Lào Cai khá đẹp; đồi núi thoai thoải, cây cối tươi xanh dần so với vùng cao nguyên đá Đồng Văn.
Nếu đi vào tháng 10, tháng 11, bạn sẽ may mắn được ngắm cánh đồng hoa tam giác mạch
Đoạn đường từ Yên Bình qua Bảo Yên là cung đường hấp dẫn nhất, đây là vùng nguyên liệu gỗ để chế biến giấy. Đặc biệt hơn, có đoạn rừng quế bạt ngàn, trồng dọc theo con đường trải dài vài chục cây số. Đây cũng là khu vực sinh sống của người Nùng. Nhà ở của người Nùng ở vùng này rất xinh xắn, dễ thương. Nhà lợp tranh, vách gỗ, thường được dựng cạnh ao cá. Quanh nhà có hàng rào bằng song gỗ. Nhìn xa xa, ẩn hiện trong sương mù xóm nhà cái thấp cái cao theo triền đồi đốc, thấp thoáng những thửa ruộng xanh mượt. Trên cung đường này có rất nhiều nơi cho du khách có thể nghỉ ngơi, ăn uống rất chu đáo và sạch sẽ.
Một ngày Sapa có đủ bốn mùa
Nếu xuất phát thật sớm, theo cung đường này thì chiều tối bạn có thể đến Sapa. Sapa từ thời Pháp thuộc đã được xem như thủ phủ mùa hè của miền Bắc. Nhiệt độ trung bình của Sapa là 15 độ C. Một ngày Sapa có đủ bốn mùa. Buổi sáng là mùa xuân không khí tươi mát, cảnh vật thật trong sáng và đẹp, buổi trưa là nắng nhẹ như mùa hè, chiều là mùa thu với mây nhiều và sương mù giăng phủ, cảm giác lành lạnh và rét vào đêm như mùa đông. Mùa đông là mùa thu hút khách du lịch đến Sapa để thưởng ngoạn hay đón tuyết rơi. Đến với Sapa bạn có thể dạo phố đêm để thưởng thức thịt nướng- cơm lam ở các vỉa hè trong thị trấn. Điều đặc biệt là bạn có thể… trả giá mà không sợ mếch lòng. Sapa cũng gắn với Hoàng Liên Sơn, là dãy núi có đỉnh Phan Xi Păng cao 3.143m, là đỉnh cao nhất Việt Nam.
Từ Sapa bạn có thể quay về Lào Cai và xuôi theo xe lửa để trở về Hà Nội.
Khắc Huy tổng hợp
Ảnh minh họa: Internet
Lên đầu trang