Mùa cưới nói chuyện Trầu - Cau

Từ thời xa xưa, miếng trầu với quả cau đã rất gần gũi với nhân dân ta, gần gũi và quen thuộc đến nỗi phương ngôn ta có câu “Miếng trầu là đầu câu chuyện”... Trầu cau đã đi vào tình cảm, sinh hoạt và đời sống của người đời xưa, đi vào nhiều truyền thuyết trữ tình và kho tàng truyện cổ tích Việt Nam. Nó là biểu hiện của niềm vui, nỗi nhớ: “Trầu này trầu quế, trầu hoa. Trầu loan, trầu phượng, trầu ta, trầu mình”, hoặc niềm luyến tiếc đau đáu: “Ba đồng một mớ trầu cay. Sao anh chẳng hỏi những ngày còn không?”...
Miếng trầu có mặt trong mọi lễ nghi, sinh hoạt, ngày vui, ngày buồn của nhân dân ta. Cũng vì vậy mà trước đây, tất cả mọi người đều ăn trầu, đặc biệt là phụ nữ. Không phải chỉ “Ăn miếng trầu cho ấm”, “Ăn trầu cho sạch miệng” hoặc “Ăn miếng trầu cho vui” như lời mời của các cụ ngày xưa, về mặt khoa học, thành phần miếng trầu gồm: nửa lá trầu không, một miếng cau (khô hoặc tươi), một miếng vỏ và một ít vôi đủ để têm vào lá trầu. Tỷ lệ giữa trầu, cau, vôi có thể thay đổi tuỳ theo thói quen và sở thích từng cá nhân. Theo các phân tích khoa học, nước ép lá trầu có tác dụng làm tăng huyết áp ít nhiều, làm giãn mạch ngoại vi, đồng thời có tính kháng sinh. Trong y học dân tộc lá trầu là một vị thuốc quý được nhân dân ta dùng để chữa nhiều bệnh từ việc đánh gió cảm mạo, đến chữa bỏng, rửa vết thương chữa mụn nhọt và nhiều bệnh viêm nhiễm khác. Theo các tài liệu nghiên cứu, trong hạt cau có nhiều chất, khoảng 15% tanin, 14% chất dầu, 2% các muối khoáng và những ancaloit, trong đó có chất Arêconin (C6H13NO2): chất này chứa gần 0,5% trong hạt cau. Arêcôlin giống như Pelêtinin, Pilôcacpin, Muscarin.Đó là một chất làm tiết nước bọt mạnh, làm co đồng tử, có tính kích thích thần kinh phó giao cảm.
Theo dược tính nói trên thì ăn trầu với một miếng cau khoảng 1g, số lượng Arêcôlin có thể cao tới 5mg, và nếu đúng như vậy thì có thể xảy ra tai biến, nhất là với các bà ăn trầu luôn miệng. Nhưng thực tế không có chuyện nào không hay xảy ra cả. Có thể do quá trình biến đổi hoá học đã xảy ra ngay trong miệng người ăn, nghĩa là trong một môi trường kiềm và nước bọt, dưới tác dụng nghiền giã của răng hoặc cối giã trầu cau.
Thí nghiệm cho thấy tuy Arêcôlin tan trong nước và nước bọt, nhưng nếu ở trong môi trường có vôi nó sẽ biến thành chất Arêcaidin không độc mà chỉ có tác dụng hưng phấn. Như vậy rõ ràng nhai trầu đem lại tác dụng hưng phấn và cũng như vậy nhiều người thích nhai trầu, nghiện ăn trầu. Tính hưng phấn này có được là cả một quá trình khắc phục tính tương kỵ một bên là của lá trầu vị cay có tác dụng làm tăng áp và một bên cau có Arêcôlin có tính làm hạ áp để chỉ còn giữ lại vị cay nồng đậm đà của miếng trầu và biến chất Arêcôlin thành  Arêcaidin gây hưng phấn cho người sử dụng.
Lên đầu trang