Khi chàng đi ở rể

Vì rất nhiều lý do mà các chàng rể sống cùng với bố mẹ vợ. Người thì chưa đủ điều kiện để mua nhà riêng, người thì lấy vợ là con gái duy nhất nên ở cùng cho bố mẹ vợ đỡ buồn… Và dù với bất kỳ lý do gì thì các chàng cũng đã hy sinh rất nhiều để làm ngược với thói quen thông thường của xã hội là gái về nhà chồng.,
Ảnh minh họa: Internet
Những vấn đề phát sinh trong cuộc sống mẹ chồng – nàng dâu; nàng dâu với gia đình chồng cũng hoàn toàn có thể phát sinh trong mối quan hệ giữa chàng rể - gia đình vợ. Thâm chí, mâu thuẫn và vấn đề còn trở nên nghiêm trọng hơn. Bởi thế, để giữ hòa khí gia đình, vai trò của người vợ rất quan trọng. Một người vợ khéo léo sẽ giúp cân bằng mối quan hệ giữa chồng và cha mẹ để chồng vui vẻ ở rể nhà mình.
Một số hoàn cảnh thực tế và cách ứng xử của các “bà vợ” trong bài viết này có thể sẽ là những kinh nghiệm quý báu cho bạn.
Ảnh minh họa: Internet
Hai vợ chồng Thủy cưới xong thì thuê nhà sống nhưng khi chị có thai thì bố mẹ chị muốn con về nhà ở để tiện chăm sóc. Thời gian đầu, mọi việc đều tốt đẹp và chuyện chỉ xảy ra khi Thủy sinh con. Có cháu đầu tiên nên bà ngoại thích lắm, lúc nào cũng chăm chăm, ôm ấp cháu. Bà quyết định từ việc mặc gì cho cháu, cho cháu ăn sữa giờ nào, thậm chí bà không cho bật điều hòa khi trời nóng… Trong khi đó, chồng Thủy là bác sỹ, anh muốn chăm sóc con theo ý của riêng mình, mâu thuẫn tất yếu nảy sinh. Hơn nữa, bà ôm cháu 24h/24h, không cho con gái, con rể gần con. Chồng Thủy trở nên ít nói, lầm lì, đi sớm, về muộn. Mẹ Thủy thấy con rể như vậy thì tỏ vẻ không vừa ý. Không khí gia đình nặng nề, mẹ vợ và con rể gặp nhau nói chuyện gượng gạo, khiến Thủy rất buồn. Đã mấy lần Thủy định góp ý với mẹ nhưng Thủy biết bà vốn rất cương quyết. Biết mẹ và chồng đều tôn trọng, yêu quý bố nên Thủy nhờ bố nói chuyện với cả mẹ và chồng. Và cách Thủy làm có hiệu quả thật. Mẹ Thủy còn chủ động để con rể có nhiều thời gian chăm sóc con hơn, có gì bà cũng hỏi ý kiến con rể xem như thế có được không… Cả nhà tíu tít bên cô cháu gái đáng yêu, không khí rất vui vẻ và đầm ấm.
Các thành viên thông cảm, chia sẻ, nhường nhịn thì sẽ tạo không khí gia đình ấm áp, vui vẻ
Hằng (nhân viên văn phòng) chia sẻ: “Mọi người vẫn hay trêu mình là chiều chồng quá nhưng mọi người cũng khen là biết “giữ chân chồng”. Mình biết là chồng ở rể sẽ thấy rất bất tiện và dễ bị lép vế nên mình cẩn thận trong lời ăn tiếng nói lắm. Chuyện gì cũng hỏi ý kiến chồng, thi thoảng nịnh nọt, khen ngợi anh và nói vui thôi: “cảm ơn chồng đã theo em về”… Những ngày lễ tết đặc biệt, ngoài những bữa tiệc với gia đình bên ngoại, mình còn chủ động mời các anh em bên nội tới nhà mình ăn cơm. Những hôm như thế chồng mình vui lắm. Nhà bố mẹ chồng ở xa, mình thường xuyên gọi điện và nhắc nhở chồng gọi điện về thăm. Có thời gian là mình sắp xếp để cả nhà về thăm ông bà. Mình làm thế vừa là để chồng mình biết quan tâm tới bố mẹ vợ hơn hơn nữa cũng để chồng thấy yên tâm vì vợ không quên nghĩa vụ làm dâu.”
Người vợ cần khéo léo, tinh tế trong cách đối xử khi chồng ở rể
Trường hợp của Mai lại khá nghiêm trọng. Mai vô tư nên thành ra vô tâm. Yêu Mai, chồng cô đồng ý về bên vợ ở vì Mai nũng nịu “sợ ba mẹ buồn vì có mỗi mình em, mình có thể tiết kiệm tiền mua nhà cho con cái sau này”. Nhưng lấy chồng rồi mà Mai vẫn rất trẻ con. Những lần giận dỗi chồng, cô lại về phòng ba mẹ ngủ, kể lể chuyện riêng của 2 vợ chồng, rồi mặt nặng mày nhẹ, giận dỗi, nói năng cộc lốc với chồng… Chồng Mai cảm thấy mình không là gì với Mai nữa, anh không có một chút quyền gì với chính cuộc sống của mình. Và cho tới khi anh yêu cầu Mai ly dị, Mai mới giật mình. Chính Mai đã khiến lòng tự trọng của chồng bị tổn thương, và anh phản kháng là tất yếu.
Người vợ không nên để lòng tự trọng của chồng bị tổn thương
Dù làm dâu hay ở rể thì vẫn nảy sinh những vấn đề khó tránh khỏi. Là cầu nối giữa gia đình mình và chồng, để cuộc sống gia đình luôn ngập tràn yêu thương và hạnh phúc, bạn nên: Tỉ tê tâm sự với mẹ đẻ, chia sẻ với cha mẹ những khó khăn của chàng khi phải “ở rể” và nói về những điểm tốt của con rể để cha mẹ hiểu hơn.
Tinh ý và nói chuyện với chồng, hiểu suy nghĩ của chồng để biết cách xử sự hoặc tìm cách giải quyết vấn đề nếu có…
Cùng chồng quan tâm chăm sóc tới bố mẹ mình để bố mẹ đẻ cũng cảm thấy thoải mái. Nếu mâu thuẫn nảy sinh giữa bố mẹ bạn và chồng, bạn đừng làm ầm ĩ lên mà nên tìm người đáng tin cậy để chia sẻ và có thể giúp bạn giải quyết. Không nên ỷ lại, dựa thế cha mẹ và tỏ ra xem thường chồng. Phải khéo léo trong cư xử, nói năng khiến chàng không mất mặt trước “nhà vợ” dù lỗi có do ai. Nên tổ chức những buổi tiệc nhỏ sinh hoạt gia đình cũng như với gia đình, anh em nhà chồng để mọi người hiểu nhau hơn. Như vậy, sẽ tạo cho chồng cảm giác như đang sống trong gia đình của anh ấy, giúp chồng cởi bỏ tâm lý ngượng ngùng, căng thẳng.
Ảnh minh họa: Internet
Song song đó, bạn cần thực hiện đầy đủ nghĩa vụ dâu con với bố mẹ chồng. Đối xử, quan tâm tới bố mẹ chồng thật chân thành để chồng nhận thấy rằng, vợ cũng yêu thương bố mẹ mình như thế, tại sao mình lại không yêu thương bố mẹ cô ấy.
Bảo Trâm
Ảnh minh họa: Internet
Lên đầu trang