Lưu ý chọn dàn âm thanh trong đám cưới

Trước khi đám cưới diễn ra khoảng 2 tiếng, đôi uyên ương nên kiểm tra phần âm thanh lần cuối để nếu có sai sót nào, vẫn có thể 'chữa cháy'.
Trong đám cưới, âm thanh là phần không thể thiếu và góp phần quan trọng, ảnh hưởng đến tâm lý khách mời. Nếu biết chọn dàn âm thanh với âm lượng nhẹ nhàng, các cô dâu chú rể có thể khiến khách mời cảm thấy dễ chịu khi dùng tiệc. Ngược lại, nếu âm thanh trong tiệc quá to sẽ làm không gian đám cưới ồn ào, khách mời không thoải mái khi chuyện trò và khó theo dõi phần lễ thành hôn của đôi uyên ương.
Nếu trong đám cưới của bạn có những tiết mục ca nhạc, biểu diễn, dàn âm thanh sẽ là yếu tố rất quan trọng để các tiết mục này thành công. Ảnh: Thái Trung - Pi Studio.
Dàn âm thanh trong tiệc sẽ chi phối từ đầu tới cuối chương trình tiệc, gồm ban nhạc, MC, ca khúc phát trong đám cưới... Vì vậy, khi tới đặt tiệc, các đôi uyên ương cũng cần kiểm tra kỹ lưỡng phần âm thanh mà nhà hàng chuẩn bị cho ngày trọng đại của bạn để đảm bảo nhận được dịch vụ tốt nhất.
1. Kiểm tra thực tế dàn âm thanh
Thông thường, khi đặt tiệc cưới, các cô dâu chú rể chỉ chú trọng xem xét hội trường, thực đơn mà quên đi phần âm thanh trong đám cưới. Thực tế, các nhà hàng cũng khó có thể "phô diễn" phần âm thanh này cho các đôi uyên ương kiểm chứng cụ thể. Vì vậy, nếu muốn biết chất lượng âm thanh tại hội trường ra sao, bạn nên yêu cầu nhà hàng cho bạn được tới xem xét một đám cưới cụ thể. Lúc đó, khi đứng ngoài tiệc, cô dâu chú rể sẽ quan sát cũng như đánh giá khách quan và có quyết định phù hợp.
2. Cân đối vị trí đặt loa và bàn tiệc
Đa số các nhà hàng đều đặt loa ở phía trước sân khấu để âm thanh dội vang được khắp hội trường, giúp những vị khách ở xa nhất cũng có thể nghe rõ tiếng MC và các bản nhạc. Tuy nhiên, nếu hội trường quá chật, loa để tiếng to, đặt sát các bàn tiệc thì khách sẽ cảm thấy âm thanh là một sự khó chịu.
Nếu có thể dịch chuyển, cô dâu chú rể nên yêu cầu nhà hàng đặt loa vào các góc của sân khấu và tránh đặt gần nơi khách ngồi. Nếu không thể thay đổi thiết kế, bạn nên sắp xếp lại sơ đồ bàn tiệc và điều chỉnh âm thanh vừa, để loa không rè, không quá lớn với những vị khách phải ngồi gần loa.
Loa nên được đặt ở xa bàn tiệc để khách mời không phải chịu âm thanh quá to khi dùng tiệc
3. Gặp gỡ dàn nhạc sống
Trong nhiều đám cưới, nhiều cô dâu chú rể lựa chọn ban nhạc chơi trực tiếp để tạo không khí sôi động. Khi chọn dịch vụ này, cô dâu chú rể nên gặp trực tiếp trưởng ban nhạc và thống nhất danh sách các bài hát, bản nhạc mà họ sẽ chơi trong đám cưới để đảm bảo tất cả các bài hát đều phù hợp với không khí tiệc. Khi làm hợp đồng với nhà hàng, bạn cũng nên chắc chắn rằng bạn nhạc bạn gặp sẽ là người chơi trong đám cưới, đề phòng trường hợp, khi thỏa thuận nhà hàng hứa hẹn sắp xếp ban nhạc có tiếng cho bạn, nhưng tới đám cưới lại đổi thành nhóm nhạc khác.
4. Chọn nhiều loại nhạc trong đám cưới
Nếu không chọn nhạc sống, cô dâu chú rể có thể chọn các bản nhạc thu sẵn, ghi vào đĩa CD để bật trong tiệc. Bạn nên chọn nhiều loại nhạc khác nhau, từ nhạc không lời, bài hát tiếng Anh bất hủ, nhạc tình yêu lời Việt.... Với danh sách nhạc phong phú như vậy, các vị khách sẽ không cảm thấy bị chán vì phải nghe đi nghe lại các bản nhạc quá nhiều lần. Đôi uyên ương nên chọn ít nhất 20 - 30 bài nhạc để phát liên tục trong đám cưới.
Bạn có thể chọn những bản nhạc không lời của một số tác giả được ưa chuộng như Richard Clayderman, Yiruma, Secret Garden... hoặc tổng hợp những bài nhạc không lời bạn ưa thích mà không bắt buộc phải chọn nguyên một album nào. Trong các bài nhạc không lời, nên chú ý chọn kỹ vì có nhiều bản nhạc mang âm hưởng buồn, khó phù hợp cho đám cưới.
Nếu đám cưới của bạn có nhiều khách mời lớn tuổi, bạn nên chọn những bài tình ca bất hủ, được nhiều biết đến như: Love story, Casablanca, Nothing's gonna change my love for you, My heart will go on... Những bài hát quen thuộc này sẽ khiến các vị khách cảm thấy thích thú vì giai điệu dễ nghe, gợi nhiều cảm xúc trong họ.
Bạn cũng có thể chọn các bài hát nhạc Việt nhưng nên không nên chọn dòng nhạc sôi động dành cho tuổi teen mà nên tìm kiếm các bài hát tình ca dễ nghe, giai điệu êm ái như: Bức thư tình thứ hai, Cơn mưa tình yêu, Con đường tình yêu...
5. Kiểm tra mic, âm thanh ngay trước giờ cử hành hôn lễ
Trước khi đám cưới diễn ra khoảng 2 tiếng, đôi uyên ương nên nhờ bạn bè, gia đình kiểm tra lại lần cuối phần âm thanh đề phòng nếu có sai sót nào, bạn vẫn có thể thay đổi hoặc "chữa cháy". Đặc biệt, bạn nên kiểm tra kỹ các loại mic để khi MC dẫn dắt lời bình cho tiệc cưới hoặc cha mẹ hai bên phát biểu không bị rè, mất tiếng....
Linh Phạm
Lên đầu trang