Nhật ký ngày đầu làm dâu

Những nàng dâu ngày đầu tiên sống chung dưới một mái nhà với bố mẹ chồng thường có rất nhiều tâm trạng: hồi hộp, căng thẳng, lo lắng. Những khác biệt về tính cách, lối sống sẽ tất nhiên dẫn đến những mâu thuẫn, va chạm. Đặc biệt, ở những nhà có nhiều thế hệ, nhiều anh chị em sống chung.

Ngọc Mai (Q. Hai Bà Trưng, Hà Nội): “Mẹ chồng khiến tôi vô cùng cảm động”
21 tuổi tôi lấy chồng nên khá vô tư và hồn nhiên. Sau buổi tiệc buổi tối tại khách sạn, tôi về nhà cùng với bố mẹ chồng. Hôm đó mải tiếp khách, tôi chẳng ăn uống được gì nên người bơ phờ và rất mệt. Về đến nhà, bàn ghế và mọi thứ tiếp khách trông ngổn ngang, tôi thầm nghĩ “bây giờ mà dọn dẹp bãi chiến trường này thì mình chết mất”. Trái lại với suy nghĩ của tôi, bố mẹ bảo tôi đi thay đồ và nghỉ ngơi, mọi việc cứ để mai rồi làm. Tôi mừng thầm và nhanh nhảu xin phép bố mẹ lên phòng thay đồ, tắm và nghỉ ngơi. Vừa tắm xong thì chồng tôi bước vào cửa phòng, trên tay bưng một tô phở bò thơm phức và nói: “Mẹ nấu cho em đấy, mẹ chuẩn bị từ sớm rồi, biết thế nào em cũng không ăn được gì. Mẹ nói anh bưng lên cho em ăn còn anh ăn dưới nhà rồi. Em ăn đi cho nóng!” Tôi vô cùng xúc động vì sự quan tâm, chăm sóc của mẹ. Bà khiến tôi có cảm giác bà giống mẹ đẻ của mình vậy. Mẹ thật tâm lý! Sáng hôm sau, tôi dậy đã thấy bàn ghế và nhà cửa được quét tước gọn gàng. Hóa ra hai cụ đã làm hết rồi. Bữa trưa, tôi cùng mẹ vào bếp nấu nướng và cả nhà ăn ngon lành. Sau đó, mẹ còn chuẩn bị gà sống, rượu, gạo nếp để vợ chồng tôi mang về nhà tôi làm lễ lại mặt.
Tô phở bò mẹ nấu cho tôi trong tối đầu tiên làm dâu khiến tôi cảm động mãi
Tuyết Lan (Q. Hoàn Kiếm, Hà Nội): “Cơn ác mộng sau đám cưới của tôi”
Nhà chồng tôi nằm trong khu phố cổ, diện tích rất chật hẹp mà có đến 5 người sống: bố mẹ chồng, vợ chồng tôi và cậu em chồng. Vì điều kiện chưa cho phép nên vợ chồng tôi quyết định ở chung với bố mẹ thời gian đầu. Cả nhà cũng đã rất ưu ái thu xếp cho vợ chồng tôi một chỗ tươm tất nhất. Ngăn cách giữa “phòng” cưới của vợ chồng tôi và em chồng là một tấm nhựa trắng, cửa ra vào là một tấm rèm. Sau bữa tối với cả nhà ở căn phòng phía ngoài chật hẹp, oi bức, tôi rửa bát và xin phép vào giường đi nằm còn chồng tôi ra ngoài ngõ hóng gió. Tôi ngủ thiếp đi nhanh chóng và chợt tỉnh dậy khi nghe thấy những tiếng rên rỉ phát ra từ sau tấm nhựa ngăn phòng. Chưa hiểu sự tình thế nào thì cậu em trai của chồng lật rèm cửa đi vào và đòi… quan hệ. Tôi tá hỏa chạy ra ngoài cửa trong sự khó hiểu của bố mẹ chồng. Đêm đó vợ chồng tôi đã phải ngủ tại nhà nghỉ và không thể nào có được đêm tân hôn. Sau này tôi mới biết em chồng tôi nghiện và bị ám ảnh bởi sex game. Sau sự việc đó, vợ chồng tôi xin ra ở riêng. Cuộc sống khó khăn nhưng tôi cảm thấy thoải mái hơn. Cứ mỗi lần nghĩ về ngày đầu tiên sau khi về nhà chồng ấy là tôi lại nổi da gà.
Một chốn riêng tư là mơ ước của cô dâu chú rể nếu ở chung với gia đình chồng
Mỹ Nhi (Q. Thanh Xuân, Hà Nội): “Tôi đã rất tủi thân vì cách cư xử của gia đình chồng”
Vốn là một cô gái sinh ra và lớn lên ở tỉnh lẻ, sau khi tốt nghiệp tôi ở lại Hà Nội làm việc và quen anh. Cả gia đình anh ai cũng cho rằng tôi may mắn lắm mới lấy được anh, đẹp trai, nhà cửa khá giả, có việc làm ổn định. Tôi cũng cảm thấy mình may mắn vì tình cảm của anh dành cho tôi rất chân thành, vì vậy, tôi cũng không suy nghĩ về lời ra tiếng vào của mọi người, và tự nhủ miễn sao chồng mình hiểu, sống tốt với mình là được. Nhưng tôi đã suy nghĩ đơn giản quá. Cuộc sống của hai vợ chồng bị chi phối bởi rất nhiều các mối quan hệ, đặc biệt khi sống chung với gia đình chồng. Ngay hôm đầu về làm dâu, thái độ lạnh nhạt, có chút miệt thị của mẹ chồng đã khiến tôi vô cùng buồn và tủi thân. Cách nói của bà nghe có vẻ rất nhẹ nhàng, nhưng trong đó ẩn chứa ý rất sâu xa: “Nhà mẹ không ăn mặn như ở quê con nên mọi thứ nêm nếm thức ăn con cứ nấu nhạt thôi, thích thì chấm thêm nước mắm. Ăn cơm bây giờ ăn nhiều thức ăn chứ mấy ai đánh một lúc mấy bát cơm to như thế đâu”. Trong bữa cơm, sau khi chồng gắp cho tôi miếng thịt gà, bà lại nói mát mẻ rằng: “Gắng mà ăn đi con không có dịp về thăm gia đình, bố mẹ con lại nói trên này bố mẹ thiếu thốn không cho con ăn uống đầy đủ”. Dù coi như không có chuyện gì nhưng cổ họng tôi đắng nghẹn lại, tôi cố gắng lắm mới ngăn không cho nước mắt chảy ra. Bố chồng tôi thì vẫn ngồi ăn bình thường, ông dường như không có cảm xúc. Sau bữa ăn, tôi vội vàng rửa bát và chạy lên phòng, vùi đầu vào gối khóc thút thít. Chỉ có chồng tôi hiểu ý và nhờ có anh mà tôi đã cố gắng và dần quen với cách cư xử của gia đình anh.
Cách cư xử của các thành viên nhà chồng ảnh hưởng lớn đến tâm lý của nàng dâu mới
Thảo Nguyên (Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội): “Một ngày rất mệt nhưng vui và ấm áp”
Đám cưới của vợ chồng tôi có rất nhiều bà con họ hàng ở quê chồng lên dự. Sau bữa tiệc ở khách sạn trở về nhà dù cả nhà đều mệt nhưng rất vui. Cả nhà ngồi sum họp ở phòng khách, rôm rả nói chuyện, thu vén cỗ còn lại mang về từ đám cưới. Sau khi thay đồ, tôi xuống nhà cùng dọn dẹp và vào bếp với mẹ chồng, chị chồng để chuẩn bị bữa chiều cho các bác, các cô ăn sớm rồi còn lên xe về quê. Trước khi cưới tôi cũng đã “thực tập” nấu nướng ở nhà chồng nhiều rồi nên tôi không hề bỡ ngỡ như những nàng dâu khác mới về nhà chồng. Chỗ nào để chén đĩa loại gì, chỗ nào để dao thớt… tôi đều rành như ở nhà mình nên mọi việc được làm nhanh chóng. Tôi và chị chồng mỗi người một tay. Chị trụng lại gà, chiên lại bò, cho ra đĩa. Tôi xào thêm vài đĩa ngọn su su ăn cho mát ruột, còn mẹ chồng tôi thì sắp thức ăn, bê mâm ra bàn. Mọi người vừa làm vừa đùa nhau rằng nếu có thời gian thì có thể nấu cỗ để mời cả làng, vì cái Nguyên (là tôi) – vợ thằng ku Thanh này nấu ăn vừa khéo, vừa lanh lẹ. Mẹ chồng tôi cười rất tươi và cũng nở mày nở mặt với bà con họ hàng vì cô con dâu khéo léo. Các bà, các bác của chồng sau khi ăn còn chúc tôi mau có tin vui vì cái dáng thắt đáy lưng ong này thì “mắn” lắm. Tất cả những điều đó khiến tôi thấy rất vui và ấm áp. Hơn hết, tôi cảm nhận được không khí gia đình gắn bó, yêu thương, chăm chút cho nhau và tôi thấy mình thật hạnh phúc khi được là một thành viên của gia đình đó.
Được là thành viên trong một gia đình gắn bó, yêu thương, chăm chút cho nhau là hạnh phúc của bất kỳ cô dâu nào
M.R
Ảnh minh họa: Internet
Lên đầu trang