Người tham dự đám cưới sẽ cảm nhận được sự rộn ràng, hạnh phúc khi tiếng mài dao, pha thịt bắt đầu vang lên hôm trước đám cưới. Nhà nào có đám sẽ trang hoàng rất lộng lẫy. Đa phần những trang trí này đều do chính tay các thành viên trong gia đình, họ hàng, bà con chòm xóm khéo léo, tỉ mẩn làm ra để góp phần điểm thêm màu sắc cho ngày vui của con em. Tuy nhiên để tạo ấn tượng cho quan khách, tránh sự lặp lại nhàm chán, việc trang trí này cũng cần rất nhiều sáng tạo.
Trang trí đám
cưới ở quê thường có ba phần chủ yếu. Đầu tiên là cổng kết hoa, nơi để
đón chào quan khách; thứ đến là rạp dựng để đãi khách ăn cỗ kèm theo sân
khấu nhỏ giao lưu ca hát; cuối cùng là trang trí bên trong ngôi nhà,
bàn thờ gia tiên.
Hẳn rằng ai dự đám
cưới quê sẽ rất ấn tượng với chiếc cổng hoa làm rất cầu kỳ bằng thân
chuối (hoặc thân cau), lá dừa, hoa cau, hoa đủng đỉnh. Cổng hoa rất quan
trọng bởi vì nó là thể hiện diện mạo đầu tiên của lễ cưới nên được chú
trọng trang trí thật tỉ mỉ, cẩn thận. Cổng gồm hai cột chống bằng thân
chuối. Chuối hay cau thường chọn cây đã trổ buồng, riêng lá dừa phải là
loại không quá già để đủ độ dẻo cần thiết.
Cổng hoa rất quan trọng bởi vì nó là thể hiện diện mạo đầu tiên của lễ cưới nên được chú trọng trang trí thật tỉ mỉ, cẩn thận |
Một chiếc cổng dừa truyền thống thường
chỉ có một khung để ra vào, kết rồng phụng hai bên. Tuy nhiên, để tăng
thêm phần sáng tạo, gia chủ có thể làm dạng cổng tam quan gồm cổng chính
và hai cổng phụ, cổng phụ chỉ để trang trí, tạo cảm giác cho không gian
thêm rộng. Ngoài ra, nếu có thời gian, gia đình có thể làm thêm những
tấm mành trang trí bằng lá dừa, kết vào đó ít bông cau để treo lên trên
cổng cũng rất vui mắt. Trên phông xanh mướt của cổng, ta còn thể thể
điểm xuyết trang trí bằng cách đính vào những trái sung chín mọng hoặc
gắn thêm những buồng cau trổ thật đầy đặn. Cuối cùng, không thể nào
thiếu được tấm bảng chữ Vu Qui – Tân Hôn được cắt thật khéo léo với tông
màu rực rỡ.
Rạp cưới ở quê bên cạnh
việc trang trí cây lá, nhiều nhà tổ chức đám cưới còn thể hiện được sự
khéo léo bằng những dải hoa giấy được cắt thủ công đều và đẹp. Ngày nay
nếu không có thời gian nhiều, thì có thể mua những mẫu hoa giấy được bày
bán sẵn, tuy nhiên nếu biết sắp đặt và phối màu cũng sẽ tăng thêm phần
rực rỡ cho đám cưới. Chiếc mành lá dừa treo cũng làm tăng tính mềm mại
cho rạp cưới. Ngoài ra, những tấm vải rực rỡ màu sắc là gu trang trí
thường thấy ở nhiều gia đình. Tùy theo ý thích, thẩm mỹ, việc treo, phủ,
hoặc bao bên ngoài rạp cưới những tấm vải rực rỡ này có thể mang lại
hiệu quả bất ngờ.
Đám cưới ở quê
thường dành một chỗ trang trọng trong rạp cưới để làm sân khấu giao lưu.
Thay vì là tấm phông vải trang trí đơn điệu, để đám cưới bắt mắt hơn,
cô dâu chú rể có thể sáng tạo ra phông màn là những con hạc giấy nhiều
màu sắc được kết với nhau bằng chỉ ngũ sắc rung rinh theo cơn gió thoảng
hoặc đơn giản là làm bằng mành là dừa đan chéo dạng mắt lưới nhỏ có kết
thêm hoa.
Việc trang hoàng bên trong nhà chú trọng nhất là ở bàn thờ gia tiên |
Việc trang hoàng bên trong nhà chú
trọng nhất là ở bàn thờ gia tiên. Đám cưới ở miền Tây thường có bàn thờ
rực rỡ màu đỏ với mâm trái cây kết rồng phụng, tất cả các vật lễ đề được
phủ khăn đỏ, bao giấy kiếng đỏ bên ngoài. Trước đám cưới lư đồng và một
số vật dụng trên bàn thờ được đem đi đánh bóng sạch sẽ. Trên trần nhà
giăng đầy dải hoa giấy trang trí và một chum hoa đăng họa tiết cầu kỳ.
Để tăng thêm rực rỡ, chúng ta có thể sáng tạo ra thêm nhiều mẫu vật dán
tường thể hiện cảnh cô dâu chú rể sánh đôi nhau hoặc cảnh rước dâu vui
nhộn. Trên khung cửa sổ ngôi nhà, bạn có thể kết thêm hoa cau, hoa đủng
đỉnh để tăng tính trang nhã.
Một đám
cưới ở quê thường được dành thời gian tổ chức dài, do đó việc trang trí
chuẩn bị nếu được trau chuốt, tỉ mẩn sẽ khiến cho người tham dự nhớ
mãi. Bên cạnh phong cách truyền thống, chỉ cần chút khéo léo, bằng
nguyên liệu có sẵn chúng ta có thể sáng tạo ra thêm nhiều họa tiết, vật
dụng mang hơi hướng hiện đại để góp phần tô điểm thêm cho ngày vui trọng
đại này.
Khắc Huy
Ảnh minh họa: Internet