Khi con dâu "dạy dỗ" lại mẹ chồng

Mọi thành viên trong gia đình ít gắn kết, bữa ăn hàng ngày ít khi đầy đủ thành viên dù đó là một gia đình tam đại đồng đường.Mẹ chồng dạy con dâu là chuyện bình thường, nhưng con dâu dám “dạy” cả mẹ chồng thì đúng là chuyện lạ, lạ nhưng không phải là không có.
 Từ “chỉnh” chuyện nấu ăn
Sau hơn hai tháng làm dâu, Nhung (Giảng Võ - Hà Nội) về nhà mẹ đẻ ăn giỗ mà không có chồng đi cùng. Thấy lạ nhưng mọi người chưa tiện hỏi vội. Đợi sau bữa ăn, một ông anh mới đùa: “Đề nghị cô dâu mới phát biểu cảm tưởng sau hai tháng bước chân về nhà chồng!”.
Đáp lại lời bông đùa của mọi người, cô dâu mới chỉ nở một nụ cười như héo: “Chán lắm anh ạ. Em chẳng thể nào chịu nổi mẹ chồng mình!”.
Sao thế, trông bác ấy hiền lành và có vẻ dễ chịu mà cũng khó tính thế cơ à?”. Nhung cười cười nhưng vẻ mặt không có vẻ đùa chút nào: “Không phải mẹ chồng khó tính mà là em… khó tính!”.
Nhung xuất thân trong một gia đình cơ bản và nề nếp. Tuy lấy chồng ở tỉnh lẻ nhưng mẹ Nhung vốn là con gái Hà Nội gốc nên đào tạo các con của mình rất kỹ lưỡng về việc nữ công gia chánh. Không chỉ thạo may vá, thêu thùa, cắm hoa, nấu nướng, cô tôi còn dạy con mình sự tỉ mẩn chi li tới từng chi tiết trong công việc, thể hiện sự đảm đang, tinh tế của người con gái Hà thành.
Ngay từ nhỏ, hai chị em Nhung đã được mẹ dạy từ những điều nhỏ nhất như rửa bát thế nào cho bát thật sạch, trước khi ăn phải lau bát đũa thế nào cho bát trông khô ráo và thơm tho, thịt bò thì phải thái ngang thớ để khi xào nấu không bị dai, thịt gà vốn mềm thì khi thái phải thái dọc thớ để thịt không bị nát, những loại nước chấm gì thì thích hợp cho món ăn nào và phải cho gia vị ra sao…
Những điều nhỏ nhặt nhưng không phải cô gái nào cũng biết nhất là trong thời buổi nữ công gia chánh bị nhiều gia đình xem nhẹ như bây giờ. Tưởng rằng được trang bị những kiến thức nữ công gia chánh cơ bản như thế thì em họ tôi sẽ dễ dàng lấy lòng được gia đình chồng chứ tại sao lại đến nỗi khổ sở như bây giờ?
Do không cầu kì chuyện ăn uống nên cả gia đình chồng của Nhung coi bữa ăn chỉ cho xong chuyện, ăn để có đủ chất dinh dưỡng, để đủ sức làm việc chứ không coi bữa ăn là nơi đoàn tụ, gắn kết các thành viên trong gia đình. Nhưng Nhung thì không thể chịu nổi kiểu nấu ăn theo cô là “lộn xộn” của mẹ chồng.
Tưởng rằng được trang bị những kiến thức nữ công gia chánh cơ bản như thế thì em họ tôi sẽ dễ dàng lấy lòng được gia đình chồng chứ tại sao lại đến nỗi khổ sở như bây giờ?
(ảnh minh họa)
Với Nhung, luộc rau muống thì phải gắp rau ra rổ, thanh ra cho rau nguội rồi mới sắp vào đĩa chứ không phải cứ dùng đũa cua cả đống rau từ xoong rồi cho ngay vào đĩa, để đến khi gắp rau thì cọng rau xoắn lại với nhau cả cụm, rất mất thẩm mỹ.
Với Nhung, khi nấu canh thì hành hoa phải thái nhỏ còn khi cho vào xào thì phải thái khúc chứ không có cái kiểu hành lúc nào cũng thái thành một đoạn ngắn không ra ngắn, dài không ra dài như nhà chồng…
Những bất đồng nhỏ nhặt trong chuyện nấu nướng, chuyện sinh hoạt hàng ngày khiến mẹ chồng - nàng dâu trở nên xa cách, không thể chung một tiếng nói. Cô em họ tôi luôn miệng thanh minh với mọi người: “Em nói rất nhẹ nhàng nhưng mẹ chồng em luôn bảo em dạy đời, rằng nhà chồng em không cần cái kiểu cầu kì rắc rồi ấy”… Thế nên, mẹ chồng nàng dâu cứ như thể mặt trăng với mặt trời.
Không được góp ý thẳng thắn như Nhung, cuộc sống mẹ chồng nàng dâu của chị Hoa (quận 3 – TP. HCM) lại có phần căng thẳng hơn. Hoa và Long là người đều tốt nghiệp đại học, có việc làm ổn định, được đồng nghiệp yêu mến, quý trọng. Họ quen nhau trong một quãng thời gian dài 5 năm và cuối cùng quyết định kết hôn.
Long làm quản đốc ở một công xưởng công ty tại quận Tân Bình (TP HCM). Hoa là giáo viên dạy tiếng Nhật của một trường trung học phổ thông quận 3. Cuộc sống 2 vợ chồng Hoa cũng tươm tất, lâu lâu cũng có dư ra để phụ giúp cho các bậc sinh thành của 2 gia đình.
Tưởng đâu cuộc sống của họ sẽ hạnh phúc, êm đẹp nếu như không có sự khó tính và hay hờn dỗi của mẹ chồng. Hoa là mẫu người phụ nữ hiện đại, trẻ trung và năng động, đối với các công việc của trường hay ở nhà cô đều làm một cách khoa học, hợp lý và chuẩn xác.
Từ việc dọn dẹp vệ sinh nhà cửa, nấu ăn, chăm sóc chồng con, cô đều hoàn thành một cách chu đáo và gọn gàng. Thế nhưng điều đó làm mẹ chồng cô không vừa ý, vì từ trước đến nay bà là người điều khiển mọi công việc trong nhà.
Mẹ chồng nấu ăn không ngon, bà thường làm những món mình thích một cách đều đặn và lặp đi lặp lại nhiều lần trong một tuần. Sớm được gia đình chiều chuộng từ nhỏ nên bà chỉ làm những công việc trong nhà theo ý thích của bản thân.
Ban đầu, Hoa cố gắng chịu đựng nên chưa có xung đột nào xảy ra. Tuy nhiên, từ lúc có em bé, thường xuyên bị nôn mửa do ốm nghén, chỉ cần nghe mùi các món ăn của mẹ chồng là cô đã khó chịu và buồn nôn.
Để thay đổi tình hình trên, Hoa chủ động xin phép mẹ chồng được nấu ăn phục vụ cả nhà. Hoa biết cách nấu ăn ngon, những món ăn của cô được chồng và bố chồng vui vẻ khen ngợi.
Nhưng kể từ đó, cô nhận được cái nhìn khó chịu từ mẹ chồng. Đầu tiên là bằng mặt nhưng chẳng bằng lòng, bà cũng ăn những món do Hoa nấu, cũng khen ngợi, nhưng sau đó lại ra đun nước chế mì gói ngồi ăn. Bố chồng thì không dám trái ý vợ và như thế trật tự được lập lại chỉ sau ít ngày Hoa trổ tài.
Không được nấu ăn, Hoa cố tìm cách góp ý cho mẹ chồng: “Mẹ ơi, con thấy trên tivi người ta nói phải thay đổi các món ăn hàng ngày, một tuần phải ăn cá một lần! Mẹ hay nấu một món lặp đi lặp lại, con sợ như thế sẽ không đầy đủ chất cho cả nhà mẹ ạ!."
Cảm thấy tự ái vì con dâu lên mặt dạy đời, mẹ chồng xa xầm nét mặt, bà gằn giọng tức tối: “Cô không ăn được thì thôi, tôi chỉ biết nấu có như thế, suốt ngày chỉ biết chê bai người khác, ở nhà bố mẹ cô không biết dạy con à…”.
Nghe lời mắng xúc phạm đến bố mẹ mình, Hoa chỉ thấy nỗi uất ức nghẹn trào lên ngực, nước mắt tuôn rơi và cảm thấy đôi chân mình không đứng nổi chỉ chực chờ khuỵu xuống.
Tối hôm đó, khi thấy con trai vừa về đến cửa, mẹ chồng cô liềm túm lấy mách tội con dâu: “Cô ấy ghê gớm lắm, dạy cả mẹ phải sống thế nào, nấu nướng thế nào. Bao nhiêu năm nay mẹ nấu ăn thế mà nuôi lớn con thành người đấy Long ạ. Giờ đây con để vợ con hỗn với mẹ!”.
Dù biết mẹ khó tính nhưng khi nghe kể lại Long vẫn xót nên làm mặt lạnh với vợ suốt 1 tuần.
Đến “dạy”cả lối sinh hoạt
Quyên, một cô gái đất Phú Xuyên (Hà Tây cũ) thì lại gặp rắc rối khác với mẹ chồng. Mẹ chồng Quyên là người xởi lởi, dễ gần nên cũng được khá nhiều người yêu mến. Tuy nhiên, cái tính “hay chuyện”, “trong nhà chưa tỏ ngoài ngõ đã tường” của bà thì cũng gây cho gia đình nhiều phen khốn đốn.
Mẹ chồng Quyên có một tính khí hơi đặc biệt đó là chuyện gì trong nhà cũng không giấu được người ngoài dù chỉ một ngày.
Có tất tần tật chuyện gì xảy ra trong nhà, cho dù những chuyện tế nhị như mỗi tháng thu nhập của gia đình được bao nhiêu, vợ chồng cãi nhau về chuyện gì, con trai và con dâu hôm nay giận dỗi nhau thế nào… đều được bà kể “tông tổng” cho cả hàng xóm nghe. Khốn nỗi, hàng xóm có nghe không đâu, họ còn suy luận, bàn tán lung tung khiến cho cả gia đình nhiều phen khổ sở với những tin đồn từ đâu đổ tới.
Có lần, Quyên vừa mới dắt xe máy vào nhà sau một ngày đi làm mệt nhoài ở cơ quan thì đã thấy bà hàng xóm chạy sang kéo áo thì thầm:
Sao? Vợ chồng cháu có còn giận nhau nữa không? Cô nghe nói hôm trước hai đứa cãi nhau thế nào mà cháu khóc thút thít trong phòng phải không?
Mấy bà còn nói cháu tức đến mức đòi viết đơn nữa hả? Đừng có dại thế cháu ơi, vợ chồng là nghĩa keo sơn, đừng có đụng giận nhau chút xíu là đòi bỏ chồng thế, không được đâu!
”.
Thì ra, hôm trước, trong lúc kê lại cái tủ trong phòng mà Quyên vô ý bị kẹt tay chảy máu. Đau quá nên khi chồng băng bó vết thương, cô có khóc chút xíu. Chẳng biết mẹ chồng ở ngoài nghe thế nào đi kể lại cho hàng xóm, rồi họ thêm thắt vào thành chuyện hai vợ chồng Quyên cãi nhau đến mức định bỏ nhau đến nơi.
Chán nản và bực mình vì những tin đồn từ đâu đâu xảy đến với gia đình, Quyên có nói với mẹ chồng về việc những gì nên nói và không nên nói với người ngoài kẻo rước vạ vào thân thì ngay lập tức bà tỏ ý phản đối.
Bà nói bà đã sống ngần này tuổi đầu rồi, không cần con dâu phải dạy khôn. Tình cảm mẹ chồng - nàng dâu vốn trước không có gì va chạm, giờ vì những chuyện không đâu bỗng dưng sứt mẻ.
Nàng dâu có được “dạy” mẹ chồng?
Ứng xử với mẹ chồng là một trong những điều gây căng thẳng nhất khi có con, 1/4 số bà mẹ trẻ tiết lộ. Không ít chị em khẳng định, họ thấy khó thích ứng với “người phụ nữ thứ nhất” hơn cả việc bị ốm nghén.
Bỏ qua trường hợp những cô con dâu luôn coi thường, đối xử với mẹ chồng một cách hỗn láo, những cô gái trong các trường hợp này đều đã góp ý nhẹ nhàng với mẹ chồng và góp ý những điều đúng đắn chứ không hề sai trái. Vậy tại sao họ vẫn không được mẹ chồng chấp nhận?
Theo Nhà tâm lý học Trịnh Trung Hòa, chuyên gia tư vấn tâm lý Tổng đài 1088 thì:
Người con dâu về nhà chồng không mấy khi hợp ý mẹ chồng. Vì mỗi nhà có một phong cách riêng gọi là gia phong khác nhau.
Nàng dâu không do bà lựa chọn mà là do con bà lựa chọn. Vì vậy nên họ không thể góp ý để mẹ chồng thay đổi mà chính họ mới là người phải thay đổi để hòa hợp với nhà chồng. Còn nếu họ góp ý mà muốn mẹ chồng tiếp thu thì phải trong trường hợp mẹ chồng quý con dâu, có tình cảm thân mật.
Nên trước hết hãy gây thiện cảm với mẹ chồng mình bằng cách: Phải hết sức tôn trọng mẹ chồng, vì người già dễ mặc cảm mình là người thừa. Trước khi làm bất cứ việc gì lớn đều phải nghe lời khuyên của mẹ chồng, nếu không hợp ý thì tạm dừng lại, không làm.
Không góp ý về nếp sống, thói quen của gia đình nhà chồng hoặc cải tạo theo ý mình. Tuyệt đối tránh so sánh với nhà mình để chê bai nhà chồng, ca ngợi nhà mình”
.
Nguồn: www.eva.vn
Tác giả: Nguồn Đang yêu
Lên đầu trang