Nghệ thuật giữ hòa khí giữa hai gia đình

Tình yêu, rồi đám cưới của đôi trẻ là chiếc cầu nối, nối hai gia tộc, gia đình vốn chẳng thân quen trở nên gần gũi. Thế nhưng không phải lúc nào mối quan hệ của hai gia đình ấy cũng tốt đẹp, cũng vui vẻ. Đặc biệt trước và trong giai đoạn đôi bên gặp gỡ, trao đổi, bàn bạc về hình thức, chi tiết cho đám cưới của đôi trẻ.
Bất đồng, giận dỗi nhau
Lập ra kế hoạch rõ ràng sẽ tổ chức đám cưới đơn giản, tiết kiệm để dành tiền đi du lịch trăng mật và mua nhà nên Minh và Thành quyết định vẫn làm đầy đủ mọi bước nhưng cố gắng tiết kiệm chi phí tối đa. Gia đình hai bên đều không giàu có gì, lại thêm thời kỳ bão giá nên bước đầu kế hoạch có vẻ được thông qua khá dễ dàng. Nhưng diễn biến thực tế lại đảo lộn dự tính:
Vui vẻ đồng ý với kế hoạch tiệc cưới tiết kiệm nhưng gia đình cô dâu Minh lại rất coi trọng lễ ăn hỏi, coi đó là cách thể hiện “giá” của con gái. Thế nên khi nhà trai mang lễ đến không nhiều trầu cau như mong đợi, lại dùng bánh nướng thay vì bánh cốm Hà Nội, mẹ Minh không vui ra mặt.
Việc đặt tiệc cưới chung của hai nhà cũng nảy ra bất đồng khi chính bác trưởng họ bên nhà trai đến yêu cầu chuyển địa điểm khác vì cho rằng, nơi đặt tiệc cưới làm ăn không chu đáo, không vệ sinh rằng chính bác là nạn nhân của nhà hàng này khi tổ chức cho con cách đó hai năm. Trước nay ý kiến của bác trưởng họ luôn được bố mẹ Minh nghe theo răm rắp nên ông bà thấy rất khó xử.
Chưa hết, cú sốc lớn ập đến khiến cả Minh và Thành đều choáng váng là gần sát ngày cưới, ông ngoại của Thành đột ngột qua đời. Trong lúc tang gia bối rối, gia đình Thành đành xin gác lại hôn sự để làm tròn việc hiếu. Vẫn biết là hợp lý nhưng nhà cô dâu cảm thấy tổn thương khi việc lớn của con gái dang dở. Thiệp đã phát hết, tiệc đã đặt, thậm chí bà con ở xa đã rục rịch về mừng cháu. Một số cô chú bên nhà Minh khuyên nên tổ chức cưới chạy tang không thì con gái mất duyên, ê mặt lắm. Minh khóc hết nước mắt. Thành cũng bấn loạn theo. Đôi bạn trẻ vốn dĩ trước giờ rất tâm đầu ý hợp đã có lời qua tiếng lại, ai cũng muốn giữ thể diện cho gia đình.
Trong ngày cưới chính sách triệt để tiết kiệm cũng nhiều lần gây bất đồng cho hai gia đình và đôi bạn trẻ. Như việc chụp hình cưới, quay phim với cô dâu, chú rể - những người trẻ tuổi là việc rất hứng thú nhưng với hai bên thông gia khi nghe giá cả lên tới cả chục triệu thì tá hỏa và yêu cầu chỉ chụp một số kiểu kỷ niệm. Hay chuyện mẹ chú rể bày tỏ ý định sau khi cưới muốn mượn tạm một phần trong khoản tiền mừng đám cưới của hai bên để lo chạy việc cho em gái của Thành cũng tạo ra nhiều lời bàn tán không thiện ý.
… Đó là câu chuyện của hai năm trước, khi những sóng gió dồn dập kéo đến trong khoảng thời gian chuẩn bị cho việc trọng đại của Minh và Thành. Đã có lúc tưởng như họ đã chia tay. Nhưng bình tĩnh nhìn nhận sự việc và cùng bàn bạc để giải quyết, Minh và Thành đã có ngày vui khá trọn vẹn và đang tận hưởng cuộc sống hạnh phúc cùng đứa con yêu trong ngôi nhà dẫu có nhỏ bé, đơn sơ nhưng là tài sản tích góp và sự ủng hộ của hai gia đình.
Họ đã làm thế nào?
Trước thái độ không vui vì “lễ mọn” theo quan điểm của gia đình, Minh lựa lời nói chuyện với bố mẹ rằng, hiện giờ ít người ăn trầu mà trầu cau thì rất đắt, nếu mua quá nhiều thì thật lãng phí. Bánh cốm Hà Nội tuy rất ngon nhưng phải đi lại cả trăm cây số mang bánh về, hạn sử dụng của bánh cũng chỉ mấy ngày, nếu nhỡ may chưa đi mời kịp, bánh hết hạn thì lại đắc tội. Trong khi bánh nướng của nhà trai được đặt ở nơi làm chất lượng, có thể để lâu hơn và cũng rất đẹp mắt. Nghe con giải thích, bố mẹ Minh cũng gật đầu tán thưởng.
Việc đặt tiệc cưới, vì đã tham khảo rất cẩn thận nên Minh và Thành tin tưởng ở quyết định của mình. Được biết nhà hàng đã chuyển giao chủ mới và năng lực phục vụ được cải thiện nhiều nên Minh và Thành đã đưa bác trưởng họ đến thăm quan, tiếp xúc với nhà hàng, đồng thời làm cam kết rõ ràng về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như các điều khoản liên quan đến phục vụ. Rời nhà hàng về bác trưởng họ cũng cảm thấy thoải mái, ủng hộ.
Với việc tang đột ngột của gia đình, bố mẹ Thành sang thưa chuyện cùng nhà gái, xin được lùi lại việc cưới sau 49 ngày. Như thế cũng là trọn đạo, phía nhà gái cũng không cảm thấy thiệt thòi như khi cưới chạy tang. Về phần mình, biết được tâm lý tổn thương của nhà Minh, Thành chủ động sang nói chuyện, xin phép được coi như con cái trong nhà, xin được đưa bố mẹ Minh đi cáo lỗi cùng họ hàng, người thân... Thấy Thành chu đáo và có biết điều như vậy, mọi người đều yên tâm và động viên Thành cùng Minh lo việc hiếu cho trọn vẹn. Vẫn biết không thể làm vừa lòng tất cả, mọi việc lại xảy ra quá đột ngột nên trong thời điểm quá khó khăn đó, Minh và Thành đã động viên hai bên bố mẹ cùng ngồi lại với nhau nhiều lần để “chín bỏ làm mười”, hiểu, thông cảm cho nhau và hơn hết tạo sự thân thiết, qua lại.
Đồng thời, Thành và Minh thuyết phục bố mẹ hưởng ứng việc quay phim chụp hình bằng cách mượn bạn bè một số bộ hình, video. Khi xem bố mẹ hai bên đều hào hứng hơn hẳn với việc lưu giữ lại những hình ảnh đặc sắc, khó quên. Tất nhiên, hai bạn không quên tham khảo mức giá tốt nhất và tranh thủ nhờ một số bạn bè có máy ảnh đảm nhận thêm công việc của nhiếp ảnh gia. Với chuyện tế nhị như mượn tiền của mẹ chồng, hiểu vấn đề nên Minh trình bày rõ ràng với bố mẹ về những khó khăn của gia đình Thành, việc em gái Thành chấp nhận thiệt thòi về công việc để tập trung tiền bạc, công sức lo đám cưới cho anh. Nếu bỏ lỡ cơ hội để xin việc lần này, có thể phải đợi vài năm nữa hoặc phải tìm chỗ kém hơn… Khoản tiền lo cho em không quá lớn, đôi vợ chồng trẻ vẫn còn đủ tiền để thực hiện ước mơ du lịch thậm chí tạo điều kiện cho bố mẹ hai bên được một chuyến nghỉ ngơi vừa để thân mật, vừa thư giãn sau những ngày lo lắng, vất vả. Nói phải củ cải cũng nghe, huống chi bố mẹ Minh cũng tốt bụng và thương con nên cuối cùng, mọi chuyện đã trót lọt, đẹp lòng, vừa ý cả hai họ.
                                                                        Bảo Hân
Ảnh:White Wedding Studio + Internet
(Ảnh chỉ mang tính chất minh họa, không phải nhân vật trong ảnh)
Lên đầu trang