Cuộc gặp đầu tiên sẽ tạo ấn tượng đáng nhớ cho cả hai gia đình. Ảnh: BG. |
1. Chọn địa điểm
Thông thường, các gia đình muốn gặp gỡ tại nhà gái,
nhưng nếu trong lần gặp đầu tiên, đôi uyên ương có thể gợi ý cha mẹ chọn
một địa điểm công cộng để gặp mặt. Buổi gặp gỡ đầu tiên chưa phải là
ngày diễn ra lễ chạm ngõ nên không nhất thiết phải tiến hành tại nhà.
Việc lựa chọn một nơi như nhà hàng, quán cafe sẽ làm cho hai nhà có
khoảnh cách vừa đủ để tìm hiểu nhau và tránh những rắc rối khi gặp gỡ
tại nhà như có khách bất ngờ phá vỡ buổi nói chuyện, hay gia đình nhà
chật chội, ngại ngần.
Vì vậy, đôi uyên ương nên là người chủ động gợi ý cho
cha mẹ một địa điểm khách quan. Không khí ấm cúng, thân thiện với khung
cảnh yên tĩnh nhưng không quá nhàm chán sẽ là một khởi đầu tốt cho mối
quan hệ của hai bên bố mẹ.
2. Tạo không khí gần gũi
Việc tạo nên mối gắn kết thân thiện giữa hai gia đình
là điều quan trọng nhất mà đôi uyên ương cần làm. Vì cả hai người đã có
ít nhất một lần tới nhà nhau, đã gặp gỡ cha mẹ và có sự quen biết, thân
thuộc nhất định, nên hai người cần là cầu nối để hai bố mẹ dễ nói chuyện
với nhau. Ngoài ra, mỗi gia đình cũng sẽ có những điều kiêng kỵ, không
nên đề cập. Cô dâu chú rể cũng nên nói trước với cha mẹ để tránh những
câu chuyện không như ý muốn.
3. Chuẩn bị quà ra mắt
Thực chất, việc tặng quà không phải là điều bắt buộc,
nhưng nếu hai gia đình chuẩn bị sẵn một món quà nhỏ, chủ yếu mang ý
nghĩa ra mắt, tạo thiện cảm thì sẽ mang đến hiệu quả bất ngờ. Cô dâu chú
rể sẽ là người hiểu rõ cha mẹ mình nhất, nên đôi uyên ương cần bàn bạc
với nhau để chủ động chọn được những món quà ý nghĩa mà vừa tiền để tặng
hai bố mẹ trong buổi đầu gặp mặt.
4. Khéo léo nói về đám cưới
Buổi gặp gỡ đầu tiên của hai gia đình thực chất cũng
là mở đầu mối quan hệ lâu đài và tiến tới hôn nhân của đôi uyên ương. Vì
vậy, trong buổi gặp đầu tiên, đôi uyên ương tương lai nên hướng cha mẹ
tới việc trọng đại này. Hai người có thể khéo léo hỏi cha mẹ: "Chúng con
quen nhau cũng lâu rồi, nên muốn tổ chức đám cưới sớm, nhưng đang không
biết cha mẹ hai nhà có đồng ý không"... Tất nhiên, đôi uyên ương tương
lai nên bàn bạc trước với cha mẹ khi đề cập tới vấn đề này trong buổi
gặp mặt, tránh việc gia đình hai bên sốc vì thông tin đột ngột.
5. Thể hiện sự yêu thương tới người bạn đời tương lai
Gia đình nào cũng muốn con mình tìm được người bạn đời
phù hợp, yêu thương lẫn nhau. Vì vậy, buổi gặp gỡ chính thức này sẽ là
thời điểm tuyệt vời để hai bạn biểu lộ sự quan tâm tới nhau, thể hiện
rằng bạn đã có một sự lựa chọn đúng đắn và đáng tin cậy. Cô dâu chú rể
tương lai nên đối xử với nhau dịu dàng, yêu thương nhưng cũng cần chừng
mực vừa phải, không nên thể hiện tình cảm thái quá, gây cảm giác khó
chịu cho cha mẹ.
Ngoài ra, đôi uyên ương cũng nên thể hiện tình cảm của
mình với cả hai bên cha mẹ để các bậc sinh thành thấy rằng hai người
không chỉ là vợ chồng hòa hợp mà còn là những người con hiếu thảo, biết
quan tâm tới cha mẹ, gia đình. Buổi chuyện trò đầu tiên là bước tiến
quan trọng nhưng đôi uyên ương cũng không cần quá căng thẳng mà chủ yếu
là để hai gia đình hiểu được tình cảm của hai bạn mà vui vẻ tán thành và
ủng hộ chặng đường hôn nhân sắp tới.
Linh Phạm
Nguồn: Ngoisao.net