Giải đáp phong tục hôn nhân người Việt

Phong tục trong hôn nhân của người Việt Nam ngày xưa rất đa dạng. Mỗi phong tục đều mang một ý nghĩa riêng và chứa một sự huyền bí gì đó. Vậy những ý nghĩa ẩn chứa trong các tục lệ đó là gì?

Hỏi: Tại sao trước khi về nhà chồng, mẹ cô dâu trao bảy cây kim hoặc trâm cho con gái?
Đáp: Ý nghĩa của việc này là để đề phòng những tai biến “phạm phòng” cho đức lang quân trong đêm tân hôn. Phạm phòng hay còn gọi là “thượng mã phong”, được hiểu vắn tắt là có thể chết trong khi đang quan hệ.
Do trước đám cưới, sức khỏe của chú rể thường không được đảm bảo vì lo lắng, lại phải uống bia, rượu mừng quá nhiều cộng với cảm xúc trào dâng trong đêm tân hôn nên lúc quan hệ thường dễ mắc phải “phạm phòng”. Trong trường hợp này, chiếc kim có tác dụng cứu mạng cho các tân lang, và người vợ đóng vai trò nhân tố quyết định. Khi đó cô dâu lấy chiếc kim hoặc trâm chích vào phía hố xương chậu phía trên hậu môn, kích thích đến lúc nào người chồng tỉnh lại mới thôi. Nếu không, đó cũng là lần cuối cùng tân nương được nhìn thấy tân lang!
Lý do mẹ cô dâu chuẩn bị bảy chiếc kim để cho con gái mang theo là do quan niệm “nam thất nữ cửu”, tức đàn ông bảy vía, đàn bà chín vía.
Chiếc kim dùng chữa chứng “phạm phòng”cho chú rể trong đêm tân hôn
Hỏi:: Tại sao mẹ cô dâu không được đưa con gái về nhà chồng?
Đáp: Thời xưa, chuyện dựng vợ gả chồng cho con cái thường là “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó”, nên đa số các cuộc hôn nhân đều là gượng ép. Bởi vậy, thay vì hạnh phúc trong ngày vu quy thì các nàng lại khóc lóc, buồn tủi. Thấy con khóc, các bà mẹ thương con rồi không kìm được lòng nên khóc theo. Có trường hợp trong khi nhà trai đang rộn ràng tổ chức tiệc thì hai mẹ con cô dâu lủi thủi ra về. Do đó, người ta rút kinh nghiệm không cho mẹ đẻ đưa con gái về nhà chồng, dần dần trở thành một tục lệ. Ở một số địa phương, cha cô dâu cũng không được phép đưa con gái về nhà chồng bởi người ta quan niệm khi con gái đi làm dâu tức là đã được gả bán cho nhà chồng.
Mẹ cô dâu thường không đưa con gái về nhà chồng
Hỏi: Tại sao khi con dâu về đến nhà, mẹ chồng cầm chiếc bình vôi tạm lánh sang nhà hàng xóm?
Đáp: Điều này hàm ý rằng người mẹ chồng muốn xác định vai trò, trách nhiệm và bổn phận của nàng dâu. Bà đã sẵn sàng trao quyền hành, công việc trong nhà để cô con dâu thực hiện đúng phận làm con. Tuy nhiên, dù trao quyền và trách nhiệm cho nàng dâu nhưng mẹ chồng vẫn muốn mình là người nắm quyền điều hành, có vai trò lớn nhất trong gia đình. Vì thế, bà mẹ chồng cầm bình vôi lánh sang nhà hàng xóm một lúc khi rước dâu về vì người xưa quan niệm rằng bình vôi là vật tượng trưng cho bà Chúa ở trong nhà. Có nơi cho rằng hành động trên có mục đích khác là để tránh và hạn chế những mâu thuẫn không hay có thể xảy ra giữa mẹ chồng và nàng dâu.
Hỏi:  Tại sao cô dâu không được ngồi trên đầu giường?
Đáp: Nếu để tân nương ngồi lên đầu giường thì trong cuộc sống hôn nhân sau này các tân lang sẽ dễ bị vợ lấn át, người vợ sẽ có vai trò và tiếng nói trong gia đình hơn. Cho nên, khi dắt con dâu vào phòng tân hôn, điều mà các bà mẹ chồng kỵ và lo sợ nhất là các nàng nhà ta ngồi lên đầu giường
Hỏi: Tại sao có lễ tơ hồng?
Đáp: Để nên nghĩa vợ chồng, người ta cho rằng các đôi uyên đường đều được ông Tơ, bà Nguyệt (Nguyệt Lão) trên trời xe duyên. Vì vậy, để tạ ơn sự giúp đỡ của Nguyệt Lão cũng như cầu mong đôi vợ chồng trẻ được sống bên nhau hạnh phúc trọn đời nên người Việt Nam có phong tục khi rước dâu về, cô dâu chú rể bày hương ra sân để làm lễ tơ hồng.
Hôn nhân là mốc dấu quan trọng nhất trong cuộc đời của mỗi người cho nên ngoài những yếu tố cá nhân như quan điểm sống, đạo đức,… thì các đôi trẻ vẫn thực hiện theo những phong tục với mục đích cầu mong cuộc sống đôi lứa luôn hạnh phúc, yên bình. Tuy nhiên, chúng ta nên làm theo để trấn an tinh thần, nhưng cũng không quá cứng nhắc vì hạnh phúc thực sự nằm trong tay chính bạn!
Lên đầu trang