Mâm quả lễ hỏi 3 miền

Trong lễ hỏi, nhà trai phải chuẩn bị rất nhiều lễ vật để đem sang nhà gái. Tuy nhiên, mỗi vùng miền lại có những nghi thức sắp xếp mâm quả khác nhau. Vì thế, chúng tôi sẽ tóm tắt cách chuẩn bị của ba miền Bắc, Trung, Nam để độc giả tham khảo.
Lễ hỏi là gì?
Lễ ăn hỏi hay còn được gọi là lễ đính hôn, là một mốc quan trọng trong quan hệ hôn nhân của đôi trẻ. Từ đây họ sẽ chính thức trở thành vợ chồng sắp cưới và chỉ chờ đến ngày tổ chức hôn lễ, với sự góp mặt của đông đủ họ hàng, bạn bè hai bên.
Miền Bắc - ngoài lẻ trong chẵn
Trầu cau là lễ vật không thể thiếu trong đám hỏi của cô dâu chú rể miền Bắc
Dù ở thời đại nào, trong lễ hỏi của cô dâu miền Bắc luôn xuất hiện cơi trầu truyền thống. Bộ mâm quả thường có một buồng cau tươi (số lượng quả chẵn, được trang trí chữ song hỷ), các loại bánh như bánh cốm, đậu xanh, đặc biệt là bánh phu thê, ngoài ra còn có mứt sen, chè, rượu, thuốc lá đóng kỹ trong hộp hoặc gói trong giấy màu đỏ và một số tiền nạp (tùy theo yêu cầu của từng gia đình). Đồng thời, nếu nhà trai cầu kỳ hơn thì ngoài những lễ vật trên họ còn có thể chuẩn bị thêm một con heo quay hoặc một ổ bánh kem.
Đặc biệt, cách sắp xếp mâm quả của người miền Bắc là “ngoài lẻ trong chẵn”, tức là số lượng mâm quả phải là lẻ, nhưng lễ vật bên trong phải theo đôi, theo cặp.
Miền Nam theo chẵn
Ngoài trầu cau – là lễ vật không thể thiếu, mâm quả lễ hỏi của mỗi miền đều có những đặc trưng riêng. Ở miền Nam, lễ vật khi ăn hỏi thường có cặp nến để làm lễ lên đèn.
Nghi lễ lên đèn sẽ được tiến hành như sau: Trưởng tộc mở một chai rượu do nhà trai đem đến rồi hướng mặt về phía bàn thờ để đốt nến. Khi đã cháy đều, ông trao cho đôi trẻ mỗi bên một ngọn, sau đó đại diện hai họ sẽ nhận lại cặp nến từ đôi uyên ương rồi xá hai xá và cắm vào lư chân đèn. Cắm xong hoàn chỉnh, ngay ngắn thì cô dâu chú rể mới lạy tổ tiên bốn lạy.
Không giống như miền Bắc, mâm quả của người miền Nam lại đi kèm với số chẵn, bởi họ quan niệm rằng điều đó tượng trưng cho sự may mắn và đầy đủ. Số lượng mâm quả, số lượng sính lễ bên trong cũng theo số chẵn.
Mâm quả trong lễ hỏi của người miền Nam thường có một khay rượu và trầu (được têm hình cánh phượng), các loại bánh như phu thê, bánh cốm, bánh pía hay gọi là bánh lột da. Ngoài ra, thường có một cặp nến, trà, rượu, trầu cau, trái cây (thông thường sẽ có năm loại), xôi gấc hoặc gà, áo dài cho cô dâu, trang sức, heo quay (không bắt buộc).
Một số lễ vật thường có trong đám hỏi của người miền Nam
Miền Trung gọn nhẹ
Người miền Trung có quan niệm rằng “trọng lễ nghi, kinh (khinh) tài vật”. Vì vậy, lễ ăn hỏi không tổ chức rầm rộ mà chỉ được coi đơn giản là buổi gặp mặt giữa hai gia đình, họ hàng thân thích để giới thiệu đôi bạn trẻ. Đặc biệt, người miền Trung không có tục thách cưới, lễ vật trong mâm quả có: mâm trầu cau, rượu, trà, nến tơ hồng, bánh phu thê, bánh quế. Nếu nhà trai cầu kỳ hơn thì sẽ chuẩn bị thêm bánh kem, bánh dẻo, bánh nướng…
Ngày nay, nhiều bạn trẻ vẫn còn lúng túng và gặp nhiều khó khăn khi chuẩn bị lễ vật cho mâm quả. Vì thế, để đám hỏi được diễn ra tốt đẹp, các đôi uyên ương nên tìm hiểu trước nghi thức trong hôn nhân theo vùng miền để từ đó có những cách sắp xếp sao cho chu đáo và đúng lễ nghĩa nhất.
Lên đầu trang