![]() |
Ảnh: Long Nguyễn. |
Dư âm của hạnh phúc không đơn giản là chỉ có cô dâu và
chú rể, mà nó được cộng hưởng bởi sự hòa hợp của gia đình, bạn bè. Nhìn
những gương mặt bạn bè thân quen quậy tưng bừng cho đến khi kết thúc
buổi tiệc, tim tôi như tan chảy vì hạnh phúc. Từ đó tôi rút ta được
những kinh nghiệm quý báu. Xin chia sẻ lại với các bạn để làm cho ngày
vui của mình đúng là ngày hạnh phúc thực sự.
1. Hãy lên kế hoạch rõ ràng về tiêu chí của đám cưới:
Hãy chỉ mời những người bạn thân thiết, tránh mời dàn
trải. Trong tình hình khó khăn hiện nay, đây cũng chính là bài toán để
"bảo tồn" về kinh tế.
Sau đó hãy xem bạn bè và gia đình của bạn thuộc gu
nào, bạn sẽ hướng tới nơi tổ chức phù hợp với điều kiện hoàn cảnh (ví dụ
bạn bè và gia đình bạn thuộc tầng lớp sang trọng, bạn không lo lắng về
tài chính, hãy nhờ một công ty tổ chức chuyên nghiệp giúp bạn). Còn như
tôi, là công chức, với thu nhập trung bình khá, tôi chọn cho mình tiêu
chí vui vẻ, thân thiện, và thân mật nhưng lãng mạn một chút để tạo điểm
nhấn. Và lựa chọn địa điểm phù hợp với túi tiền và khách mời của bạn để
không lạc lõng.
2. Chụp ảnh cưới
Rất quan trọng để lưu giữ khoảnh khắc hạnh phúc của
bạn. Nếu bạn có thời gian rảnh và dư giả tiền bạc, bạn có thể chọn địa
chỉ tùy thích. Nhưng với tôi, tôi không quá quan trọng về người chụp, mà
tôi quan trọng về ý tưởng chụp hình. Tôi chỉ chụp trong vòng hơn 2
tiếng, với ý tưởng lãng mạn và cổ điển. Bộ ảnh chỉ thực sự đẹp khi có sự
giao thoa giữa bạn và cô dâu, và người chụp chỉ cần nắm bắt cái hồn của
cô dâu chú rể là được. Bộ ảnh cưới của tôi chụp hết tất cả là 10 triệu
đồng, trong khi đó, một vài chỗ khác đòi lên đến 40 triệu đồng.
3. Thiệp mời
Các bạn cần lưu ý, của cho không bằng cách cho, có
nghĩa, tấm thiệp chỉ thực sự có ý nghĩa khi bạn mời một cách trân trọng,
nên việc làm một tấm thiệp quá đắt đỏ và sang trọng không phải là tiêu
chí của tôi. Tôi chọn một tấm thiệp cổ điển, màu trắng, lịch sự, lãng
mạn, với chữ vàng in nổi giản dị chỉ với giá 5.000 đồng, nhưng khi gửi
thiệp mời, tôi đều đều đưa tận tay và không quên cảm ơn mọi người. Cách
ngày cưới 2 ngày, tôi đều gửi tin nhắn mời lại tất cả mọi người để mọi
người không quên, và tất nhiên sau khi cưới, tôi gửi lời cảm ơn tới tất
cả.
4. Chọn món ăn và giá cả
Cũng dựa trên các tiêu chí trên, tôi cũng chọn món ăn
phù hợp với quan khách, bạn bè và địa điểm tổ chức. Không quá sang trọng
nhưng không tầm thường, ngon, lạ và phù hợp, đủ no, đủ ngon, và chọn
một hoặc hai món lạ miệng nhưng không quá đắt đỏ. Bàn tiệc tôi chọn 5
món chính, 1 món tráng miệng và tôi có làm thêm một bàn coctail tiệc nhẹ
gồm vài loại bánh mặn, ngọt và trái cây, nước uống để khách nhâm nhi
trước khi vào tiệc chính.
5. Lên kế hoạch cho buổi lễ
Buổi tiệc thêm vui vẻ và bất ngờ nếu bạn tự lên kế
hoạch cho nội dung lễ cưới. Nếu bạn cứ ỷ lại vào nhà hàng chắc chắn sẽ
rất buồn và nhàm chán, bạn nên tạo một điều bất ngờ nho nhỏ hoặc thay
đổi nội dung làm cho quan khách phấn khích và bất ngờ. Còn về phần tôi,
khi bắt đầu vào tiệc, đèn phụt tắt và chú rể từ sân khấu sẽ xuống đưa cô
dâu lên và hát tặng quan khách.
6. Quà tặng cho khách
Chúng tôi mua chocolate về và tự gói, làm quà tặng nho nhỏ cho khách trước khi ra về và tiễn khách.
7. Nhắn tin cảm ơn tất cả quan khách và bạn bè tham dự, xin lỗi nếu có sai sót
Đó là một vài chia sẻ của tôi từ kinh nghiệm đám cưới
của mình, tránh tất cả mọi rủi ro đáng tiếc. Hôm vừa rồi công ty tôi có
một cô bạn tổ chức đám cưới, do tính toán không hợp lý nên dù mời có 17
bàn, nhưng khách đi chỉ có 10 bàn, rất buồn và tôi nghiệp. Mong các bạn
hãy lựa chọn phù hợp để ngày vui của mình thêm trọn ven.
Còn hôm đám cưới của tôi, dù tôi chỉ mời có 25 bàn và
hơn 200 thiệp, nhưng số lượng bạn bè đến đông đủ và lên đến 32 bàn, làm
tôi vui đến choáng ngợp và hạnh phúc. Đó là lễ cưới vui nhất mà tôi từng
thấy, bạn bè công ty tôi nói vui rằng, nó như một buổi tiệc của bạn bè
và như một cuộc họp lớp đầy thú vị.
Long Nguyễn
Nguồn: Ngoisao.net