Đi đám cưới xin đừng đến muộn

Khi cầm một thiệp mời đám cưới, thử thách đầu tiên của chính tôi - người viết cũng chỉ là: Ta không được phép trễ giờ!...
Ảnh minh họa: Internet
Những người trẻ 25 - 30 tuổi khi nhận được thiệp cưới 99% họ biết đó là đám cưới của ai. Ở tuổi tôi, khi nhận thiệp cưới 99% nhìn tên cô dâu chú rể… không biết đấy là ai. Muốn biết thì nhìn vào tên cha mẹ của cô dâu hoặc chú rể.
Cưới xin tùy theo phong tục mỗi miền mà khác hay giống nhau. Trong phạm vi hẹp của bài viết này ta cứ tạm chọn những đám cưới ở ngay Sài Gòn, trong nhà hàng, khách sạn cho dễ hình dung. Đám cưới đã trở thành công nghệ, cái công nghệ không còn chỉ tùy thuộc vào ăn uống mà còn đòi hỏi nội dung và hình thức tổ chức. Tất nhiên tùy theo túi tiền, nhà hàng 5 sao hay trung bình, hình thức ấy sẽ được thể hiện một phần theo ý muốn của chủ nhân, phần nữa quan trọng không kém là từ "tư vấn" của nhà hàng hoặc theo phong cách tổ chức của nhà hàng ấy.
Cưới xin tùy theo phong tục mỗi miền mà khác hay giống nhau. Ảnh minh họa: Gcanali.
Đời sống kinh tế đã khá lên nhiều nên đi "ăn đám cưới" dường như đã trở thành thứ yếu, bây giờ người ta đi là để "xem đám cưới". Xem, nghĩa là nhìn ngắm cách tổ chức nhiều hơn là ăn uống. Sân khấu, bài trí, ban nhạc, không khí nó sẽ ra sao? Nó Tây hay ta? Ta hay Tàu?… Nhưng đi đám cưới hôm nay cũng quá nhiều hệ lụy phải bàn. Có một câu thành ngữ xuất xứ tận bên Mỹ, nơi cộng đồng người Việt đã hình thành vững vàng từ hơn 30 năm qua: "Không ăn đậu không phải Mễ. Không đi trễ không phải Việt Nam…". Hệ lụy đầu tiên là vấn đề giờ giấc.
Đúng giờ là biểu hiện ứng xử đầu tiên của văn minh lịch sự. Nhưng với đám cưới ta tin chắc 100% đúng giờ là chuyện viễn mơ cho dù thiệp mời ghi rõ mấy giờ đón khách, mấy giờ vào tiệc. Thói đi trễ hình thành thoạt đầu là phong cách lề mề, cái tâm lý ỷ lại ta đi đúng giờ thì ta vẫn phải ngồi chờ kẻ đến trễ, tội gì mà đi đúng giờ. Chuyện trễ nải giờ giấc có khi chủ nhân đám cưới phải mất thêm tiền giờ cho nhà hàng vì lấn qua giờ của một chương trình tiệc tùng khác. Chỉ ở những nhà hàng hạng sang, hợp đồng tổ chức mới có thể tính toán chặt chẽ hơn, chu đáo hơn.
Sau vấn đề giờ giấc là chuyện dẫn chương trình đám cưới. Những "cái máy nói" của nhà hàng lắm khi hoa mỹ và sáo rỗng đủ để người nghe, khách tham dự hoặc lắc đầu cười hoặc ngượng hết cả tai. Khổ nhất là đọc thơ như đọc vè lại là thứ làm xấu hổ cả vè vì vè không kỳ cục như thế. Thơ lục bát mà vần luật cãi nhau loảng xoảng, câu trên ngang phè với câu dưới, hình thức cầu kỳ như một buổi tạp kỹ. Nhưng rõ ràng những điều ấy tùy thuộc vào trình độ và đẳng cấp của chủ nhân đám cưới.
đám cưới có khuynh hướng văn minh ngày càng xuất hiện nhiều. Ảnh minh họa: Gcanali.
Gạt bỏ những đám cưới tổ chức kiểu trưởng giả tiền nhiều nhưng văn hóa ít (ma chê cưới trách), ta cũng không nên nặng lời. Những đám cưới có hình thức ấm áp, trang trọng nhưng giản dị phần nghi thức bao giờ cũng làm người tham dự hòa nhập được cái vui của cô dâu chú rể. Âm nhạc nhẹ nhàng, khung cảnh lịch sự, tuyệt nhiên không có những màn "tấu hài" hay hát với nhau (mà nguy cơ tranh giành sân khấu của khách tham dự biến thành "uýnh với nhau" là chuyện có thật, từng xảy ra). Những đám cưới có khuynh hướng văn minh ngày càng xuất hiện nhiều nếu cô dâu chú rể là người có cái nền văn hóa thật sự, cái nền ấy giúp cho sự chọn lựa từ bài trí khung cảnh đến nội dung mang nhiều mỹ cảm cho người tham dự.
Để cưới xin là nét đẹp văn hóa, điều thách thức đầu tiên là đừng đi trễ. Đó là tiền đề cho những hình thái ứng xử văn minh văn hóa khác sau đó. Khi cầm một thiệp mời đám cưới, thử thách đầu tiên của chính tôi - người viết cũng chỉ là: Ta không được phép trễ giờ! Hãy làm được điều ấy trước đã. Bạn đồng ý với tôi?
Lại Nguyên Ân (Nhà nghiên cứu văn học): Tôi nghĩ là chuyện cưới rất nên được làm khác đi, giản tiện hơn, nhưng đây là chuyện liên quan rất nhiều thứ, nhiều giới, nhiều loại tập quán...
Tình trạng đám cưới hiện tại giống như các kiểu "bầy đàn" từ sàn chứng khoán, mua vàng, nhà đất… Thường là nếu thấy đám cưới nào đó có thêm một vài chi tiết lạ, thế là các đám khác học... mót theo. Nhưng chỉ là trên các tình tiết nhỏ, như rót rượu, kiểu váy cô dâu, họa tiết trang trí đám cưới tại các nhà hàng. Còn mọi chuyện vẫn như xửa xưa ở chỗ: người ta làm đám cưới và đến đám cưới là để "trả nợ miệng" nhau. Mấy năm trước tôi đi đám cưới con anh, nay tôi cưới con thì anh phải tới trả nợ! Số tiền mừng thì theo mức... ngoài đời. Tâm lý và lối sống của giới viên chức thành thị và giới buôn bán ở thành thị chi phối những ứng xử như cưới xin rất nhiều.
Nguyễn Quang Minh (Tiến sĩ nghệ thuật học - GĐ công ty Cát Tiên Sa): Đám cưới là sự kiện quan trọng bậc nhất của đời người, bởi gia đình là nền tảng của xã hội, và đám cưới chính là sợi dây đầu tiên để ràng buộc, xây dựng nên tế bào quan trọng của xã hội. Mặc dù ít khi tham dự đám cưới, nhưng tôi cũng vẫn thường xuyên xem các tin, ảnh về những đám cưới đặc biệt, đám cưới của người nổi tiếng… Thật ra không nên quy chụp đám cưới vào một mô hình định sẵn. Quy mô to nhỏ của đám cưới tùy thuộc vào thu nhập và các mối quan hệ của từng người. Nếu quan hệ rộng, thu nhập khá thì có thể tổ chức một đám cưới thật lớn, cho phù hợp với các mối quan hệ của mình. Còn ngược lại, nếu không có tiền mà cố vay mượn để tổ chức một đám cưới rình rang thì đó mới là không phù hợp.
Đỗ Trung Quân
Theo Thanh Niên
Lên đầu trang