Bất cứ quyết định nào liên quan đến quá khứ cũng đều khiến chúng ta khó xử. Đó là lý do vì sao đa số cô dâu cũng như chú rể luôn do dự khi được hỏi có mời người yêu cũ đến dự đám cưới hay không: “Chắc chắn rồi!... Nếu vẫn là bạn tốt”. Và nếu hỏi họ có phiền không nếu chồng/vợ tương lai của mình mời “tình cũ” đến đám cưới thì đó lại là một chuyện hoàn toàn khác nữa. Vậy nếu đặt chính mình trong trường hợp này, bạn sẽ quyết định thế nào?
Sẽ có hai suy nghĩ đối lập về việc mời người yêu cũ. Một số người hoàn toàn phản đối, còn số khác lại ủng hộ. Theo nghiên cứu của tiến sĩ Robert Billingham, Đại học Indiana, Bloomington, một khi đã là người yêu thì họ không bao giờ có thể “chỉ làm bạn”, và người yêu cũ sẽ không bao giờ tham dự lễ cưới trong bất kỳ trường hợp nào. “Một khi đã liên quan đến tình cảm nam-nữ, thì không bao giờ có thể tồn tại tình bạn vì mối quan hệ lúc đó đã khác biệt – nó không còn là tình bạn đơn thuần nữa. Đôi khi, có những người tỏ ra khá lạc quan trong trường hợp này, nhưng cảm nhận thực sự của họ lại hoàn toàn trái ngược”, ông nói thêm.
Tuy nhiên, Pepper Schwartz – giáo sư xã hội học của Đại học Washington – lại cho rằng nếu người cũ thực sự là một người bạn tốt thì không có lý do gì để không mời họ tham dự đám cưới. Ngoài ra, ông còn cho biết thêm, việc duy trì mối quan hệ với “người xưa” rất có ích và đó cũng là một dấu hiệu tích cực cho thấy chồng/vợ sắp cưới của mình thực sự chỉ xem họ là bạn, không còn lưu luyến.
Mời hay không?
Trước khi gửi đi tấm thiệp mời, bạn nên tự đặt ra và trả lời những câu hỏi sau, rồi tham khảo ý kiến của người bạn đời tương lai. Đó là những câu hỏi giúp bạn hiểu rõ hơn lý do vì sao lại mời và quyết định đó sẽ ảnh hưởng thế nào đến những người có liên quan. “Kết hôn là thế giới thu nhỏ của những gì sẽ diễn ra sau này. Ngay từ bây giờ, bạn có thể bắt đầu bằng cách đưa ra những quyết định chung và thiết lập một khuôn mẫu cư xử trong những trường hợp tương tự có thể xảy ra trong tương lai” - Tina B. Tessina, tiến sĩ, nhà tâm lý học tại California, khuyên.
1.Tại sao lại muốn mời?
Nếu đó là người mà bạn đã hẹn hò 6 năm trong suốt 10 năm quen nhau thời còn “cắp sách đến trường”, anh/cô ấy không chỉ là một người yêu cũ, mà còn là một người bạn thân, thì việc mời họ đến dự đám cưới là điều bình thường. Nhưng nếu anh/cô ấy là người đã “đá” bạn và bạn chỉ muốn làm cho họ ghen tị, ngay cả khi không còn một chút tình cảm lãng mạn nào, thì hãy tiết kiệm tấm thiệp của mình. Hoặc nếu bạn và người đó đã lâu không gặp, và cho rằng đây là cơ hội để liên hệ lại với nhau, thì đó không phải là một lý do thích hợp để mời họ đến dự đám cưới của mình, cho dù là không có “tình ý” gì đi nữa. Đám cưới của bạn không phải là lúc để xây dựng tình bạn với người xưa đã lâu không gặp.
2. Chồng/vợ tương lai của mình có đồng ý không?
Đây không phải là một “bất ngờ thú vị” dành cho chồng/vợ tương lai của mình trong ngày cưới. Vì vậy, hãy hỏi và chia sẻ ý kiến của nhau trước khi quyết định.
3. Nếu người yêu cũ đến, tình huống xấu nhất là gì?
Nếu “tình cũ” có tiếng với những hành động không mấy đẹp đẽ ở nơi công cộng, chắc chắn là bạn phải xem xét lại. Nhưng nếu buộc phải mời anh/cô ấy vì một lý do nào đó, hãy nhờ một người bạn hoặc một thành viên trong gia đình “để mắt” tới họ. Tương tự đối với những “cá biệt” như thế.
4. Đổi lại là bạn, bạn sẽ cảm nhận thế nào?
Hãy đặt mình vào trường hợp ngược lại và tự hỏi: “Liệu mình có thấy thoải mái không nếu người bạn đời tương lai mời người yêu cũ đến dự đám cưới?”. Tuy rằng sẽ rất khó có thể hoàn toàn đồng cảm, nhưng hãy công bằng! Hãy nhớ rằng: bạn thấy không thoải mái thì chồng/vợ tương lai cũng không thoải mái.
5. Người yêu cũ có muốn được mời không?
Đừng cho rằng vì bạn và người xưa là bạn thân mà anh/cô ấy sẽ muốn đến tham dự đám cưới của bạn! Có thể họ sẽ nghĩ rằng mẹ của bạn sẽ không tán thành sự có mặt của họ, hoặc rằng sẽ không có ai để nói chuyện… Trước khi gửi thiệp mời, hãy dò hỏi ý kiến của họ, có thể thông qua bạn bè chung hoặc bằng cách này hay cách khác thích hợp. Dù họ có đồng ý hay không thì bạn cũng nên tôn trọng quyết định của họ. Nếu người ấy tỏ ra do dự, hãy thẳng thắn và đừng gây thêm áp lực cho họ.
6. Người yêu cũ còn… “mê” mình không?
Nếu câu trả lời là “có”, hay thậm chí là “có lẽ”, đừng mời! Như vậy sẽ không công bằng cho bất cứ ai. Đây là khoảnh khắc tỏa sáng của bạn, không phải là lúc để hả hê hay “dìm” cảm xúc của người khác. (Xem lại câu hỏi số 1)
Nên và không nên khi mời “tình cũ”
Khi đã quyết định mời người xưa đến chung vui cùng mình, các cô dâu chú rể cần lưu ý những điều sau:
Nên:
- Mời thêm bạn của người yêu cũ. Bằng cách này, họ sẽ không có cảm giác cô đơn, lạc lõng.
- Xếp họ ngồi chung bàn với người quen.
- Giữ thái độ tự nhiên với họ trong suốt buổi tiệc.
Không nên:
- Đứng nói chuyện riêng với người cũ. Không có lý do gì để bạn trở thành trung tâm của những tin đồn nhảm trong ngày cưới của mình. Không những thế, việc này còn khiến cho chồng/vợ tương lai của bạn không vui.
- Đừng giới thiệu bằng câu: “Đây là người yêu cũ của anh/em” trước mặt cô dâu/chú rể. Không cần thiết phải khơi lại quá khứ.
- Bạn có nhiều hơn một người yêu cũ? Vậy thì không nên xếp họ ngồi chung một bàn vì rất dễ dẫn đến trường hợp cãi vã hay im lặng một cách kỳ lạ. Thay vì vậy, hãy chia họ ra ngồi cùng với bạn của họ để có người tâm sự, nói chuyện.
Dù cho quyết định cuối cùng của bạn thế nào, thì cũng nên tham khảo ý kiến của bạn đời tương lai. Pepper Schwartz, tiến sĩ, giáo sư xã hội học của Đại học Washington cho biết: “Bạn cần phải đưa ra một quyết định có sự đồng ý của cả hai, chứ không phải của riêng bản thân”. Và vì đám cưới là sự kiện trọng đại đầu tiên mà cặp đôi cùng chung tay trong cuộc sống hôn nhân, do đó một thỏa thuận khiến cả hai cùng vui vẻ là điều quan trọng nhất!
Bánh cốm Hàng Than, Bánh cốm Hà nội, Bánh cốm An Ninh 49 Hàng Than, Cưới hỏi trọn gói