Chinh phục mẹ chồng trước khi cưới - Điệp vụ khả thi

Đám cưới không chỉ là việc trọng đại của cô dâu – chú rể, mà còn là thời điểm quan trọng của các bậc sinh thành. Làm thế nào để việc chuẩn bị đám cưới trở thành cơ hội kết nối tình cảm của các thành viên trong gia đình, quan trọng hơn cả là để cho bạn – cô con dâu tương lai – ghi điểm một cách “ngoạn mục” trong mắt ba mẹ chồng?

1. Đánh giá cao ý kiến của phụ huynh
 Dù cho vợ chồng bạn là người chi trả toàn bộ chi phí đám cưới hay bố mẹ là nhà tài trợ chính, bạn phải luôn nhắc nhở bản thân về vai trò đóng góp ý kiến của các bậc phụ huynh. Một đặc điểm ở người lớn tuổi là họ rất dễ rơi vào trạng thái “tủi thân” vì nghĩ rằng con cái bỏ ngoài tai ý kiến của mình.
Nếu bố mẹ đảm nhiệm phần lớn chi phí đám cưới, việc nghe lời là điều không phải bàn cãi. Tuy nhiên, nếu kinh phí được chia thành nhiều hạng mục và bạn phụ trách một phần nào đó, thì không có nghĩa bạn nên “tiền trảm hậu tấu”. Đây chính là cơ hội để các cô dâu tương lai “nịnh” mẹ chồng bằng cách thủ thỉ với mẹ rằng: “Anh ấy bảo con chọn cái này, cái kia mà con vẫn chưa quyết định được, mẹ xem qua rồi tư vấn cho con với”. Không bà mẹ nào lại từ chối lời thỉnh cầu “ngọt ngào” như vậy.
 Bên cạnh đó, về phần kinh phí hai bạn phụ trách, mẹo nhỏ là bạn không cần thiết phải khai báo thành thật cho ba mẹ về khoản chi phí đó, có thể “nói giảm” khoảng từ 30% đến 50% chi phí thật để các cụ yên lòng.
 2. Nhắc nhở bố mẹ
Sẽ rất vui nếu cả nhà cùng tham gia vào quá trình chuẩn bị lễ cưới. Nhất là ba mẹ bạn xung phong phụ trách một vài khâu và bạn – tổng đạo diễn – tất nhiên phải có nhiệm vụ nhắc nhở, đôn đốc các cụ tuân theo các deadline (hạn chót) nghiêm ngặt đã đề ra trong kế hoạch. Tuy nhiên, vấn đề mà rất nhiều cô dâu chú rể đau đầu là người thường xuyên chậm trễ trong tiến trình chung lại không phải ai khác ngoài các bậc phụ huynh. Và khi bị “nhắc nhở”, ba mẹ lại tỏ ra “giận dỗi” và đưa ra lý lẽ: “Ngày xưa thời ba mẹ có những thứ này đâu mà vẫn cưới xin, rồi đẻ ra tụi bay đấy thôi!”.
Để khắc phục tình trạng này, bạn nên đặt deadline cho ba mẹ sớm hơn ngày dự định trong kế hoạch. Ngoài ra, tính chất công việc mà đấng sinh thành phụ trách cũng ảnh hưởng đến chất lượng hoàn thành. Thay vì nhờ các cụ liên hệ đặt bánh cưới hay quà tặng khách, bạn nên để các cụ phụ trách khâu mâm quả, trang sức cưới hay trang trí nhà. Đối với các cụ, không gì quan trọng hơn nghi lễ - truyền thống.
 3. Làm đẹp cho ba mẹ - cơ hội tốt nhất để “nịnh nọt”
Không một người phụ nữ nào lại không thích làm đẹp và mẹ bạn cũng vậy. Tuy nhiên, một vài cụ hay “mặc cảm” lớn tuổi rồi chọn những trang phục làm mất đi vẻ đẹp riêng. Hoặc có trường hợp một cô dâu chia sẻ rằng “mẹ chồng ăn diện còn lộng lẫy hơn cả mình, nhìn đằng sau chẳng nhận ra ai là cô dâu nữa”. Ngược lại, các ông bố đôi khi lại quá xuề xoà trong cách ăn vận. Chắc hẳn ai cũng muốn không chỉ chính mình mà ngay cả bố mẹ hai bên cũng trở nên rạng ngời trong ngày trọng đại của gia đình.
Bởi thế, hãy cùng tham gia vào việc chuẩn bị trang phục của ba mẹ. Tư vấn và cùng đi chọn quần áo cho các cụ là cách để thắt chặt thêm tình cảm, cũng như phòng tránh trường hợp “lẫn lộn cô dâu” như đề cập phía trên. Bạn cũng có thể rủ mẹ chồng cuối tuần đi spa thư giãn, vừa chăm sóc da mặt vừa nói xấu “chồng tương lai” cũng là một ý kiến không tồi.
4. Tạo điều kiện để gia đình hai bên gặp gỡ
Trong quá trình chuẩn bị cưới cũng như cuộc sống gia đình về sau, chắc chắn bạn sẽ không tránh khỏi những va chạm nhỏ với ba mẹ tương lai. Thế nên, bên cạnh việc tạo mối quan hệ tốt với mẹ chồng, bạn cũng nên để hai bên gia đình gặp nhau thường xuyên. Điều này giúp ba mẹ hai nhà thân thiết hơn và gián tiếp giúp cho cuộc sống của bạn “dễ thở” hơn. Một cô dâu bật mí: “Vì ba mẹ mình và ba mẹ chồng thân nhau, nên lỡ mình có phạm lỗi, mẹ chồng cũng không nỡ mắng, chỉ nhắc nhở nhẹ nhàng vì sợ mất lòng ba mẹ mình”.
5. Hoà giải những bất đồng
Hiểu rằng bạn đã rất cố gắng áp dụng những lời khuyên trên nhưng giữa ba mẹ và bạn vẫn nảy sinh những bất đồng, nhất là trong việc lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ hoặc phong cách cho đám cưới. Một lời khuyên cho bạn là nên thuyết phục và giải thích cặn kẽ cho ba mẹ hiểu những quyết định của mình. Nếu vấn đề ở chi phí mà bạn có khả năng chi trả, hãy nói giảm chi phí thật hoặc lấy lý do là được khuyến mãi/tặng kèm. Còn giả sử, vấn đề thuộc về “góc nhìn thế hệ” thì tốt nhất bạn nên chiều lòng các cụ nếu như việc này không ảnh hưởng quá lớn đến tình hình chung.
Một điều lưu ý: dù cho có bất đồng thế nào thì tuyệt đối không nên kể xấu ba mẹ tương lai với bất kỳ ai, kể cả ba mẹ bạn. Bạn sẽ không thể lường trước được hậu quả của việc đó. Đừng để ngày vui bị ảnh hưởng bởi những tranh cãi không đáng có.
Lên đầu trang