Thú vị những tập tục cưới hỏi ở Việt Nam 1

Kỳ I: Vượt qua thử thách rước nàng về dinh
Để rước nàng về dinh thì các tân lang ở một số dân tộc Việt Nam phải trải qua những tập tục, thử thách độc đáo dưới đây.
Tục kéo vợ của người M’nông – Hà Giang
Kéo vợ, hay còn gọi là cướp vợ, cướp dâu là một phong tục thú vị trong cưới hỏi của người M’nông, Hà Giang. Nghe đến có thể ai cũng sẽ cho rằng đó là hành động cưỡng ép, nhưng thực ra đây là một tục lệ thể hiện tình yêu nồng cháy của các chàng trai cô gái Mông.
Chàng trai Mông đang kéo cô gái về làm vợ
Khi đôi bạn trẻ yêu nhau thắm thiết và muốn về chung sống với nhau thì sẽ tiến hành dạm hỏi, tổ chức lễ cưới như thông thường. Nhưng nếu gặp rào cản của gia đình (chủ yếu là bên nhà gái) thì giải pháp hữu hiệu nhất cho họ là “kéo vợ”. Bởi, người M’nông cho rằng khi không được gia đình chấp thuận mà đôi trai gái tự ý chung sống với nhau thì không những bị coi là bất hiếu mà cuộc hôn nhân đó sẽ không được cộng đồng chấp nhận.
Để hợp thức hóa mối quan hệ mà không bị cấm cản, chàng trai và cô gái sẽ cùng nhau lên kế hoạch, thống nhất thời gian, địa điểm tiến hành “kéo vợ”. Mọi chuyện đều được giữ bí mật với sự “hộ thuẫn” của người thân và bạn bè chú rể tương lai.
Chàng trai giữ chặt tay nàng lại để mọi người ra kéo
Ngày ngày, cô gái vẫn lên nương, cuốc rẫy như thường lệ cho đến ngày ước định. Mặc dù biết trước mọi chuyện nhưng cô gái vẫn phải giả vờ la hét, khóc lóc để người nhà mình đến cứu. Nếu không chống trả thì cô gái sẽ bị mọi người cho là hư hỏng, thấp kém. Gia đình nhà gái khi biết chuyện sẽ ra giải cứu cho cô gái, bên nhà trai sẽ ra “chịu đòn” để giúp chàng trai kéo cô gái về nhà, vì theo luật thì nhà trai không được đánh trả nhà gái.
Sẽ có một người chạy về trước thông báo cho gia đình nhà trai, họ sẽ bắt một đôi gà trống, mái đợi sẵn để làm lễ rước dâu về nhà. Sau ba ngày sống tại nhà chồng, cô dâu mới được về nhà để báo với cha mẹ đã đồng ý làm vợ chàng trai và xin phép sang nhà trai ở. Đi cùng về với cô dâu là chú rể, phù dâu phù rể và phụ mẫu nhà trai.
Nếu hôn nhân của đôi trẻ được gia đình hai bên chấp thuận thì lễ vật được thỏa thuận, còn khi kéo vợ nhà trai sẽ bị nhà gái phạt rất nặng. Nhà gái đòi bao nhiêu thì phải trả bấy nhiêu nên muốn kéo vợ về dinh thì gia đình chàng trai phải thuộc diện khá giả.
Sau hai lần ăn hỏi mới được kết hôn
Các chàng trai cô gái Dao Đỏ (Bắc Hà) chinh phục trái tim nhau bằng những lời đối đáp, lời hát qua các dịp lễ hội, phiên chợ. Tìm được người trong mộng, chàng sẽ về thưa chuyện với cha mẹ để sang nhà nàng hỏi cưới. Nếu hợp tuổi thì nhà trai sẽ trao lại cho nhà gái ba đôi đồng xu để “làm lý”, cho bố mẹ và cô dâu tương lai mỗi người một đôi. Đây được coi như lễ hỏi lần một.
Một thời gian sau, nhà trai lại tiếp tục sang nhà gái thực hiện lễ hỏi lần hai. Nếu ba ngày sau đó không thấy nhà gái đem trả đồng bạc thì họ đã đồng ý gả con gái cho chàng trai. Khi đó gia đình nhà trai sẽ chọn ngày lành tháng tốt đem lễ vật đến làm lễ hỏi chính thức. Lúc này cô dâu tương lai sẽ được cha mẹ ưu tiên dành cho nhiều thời gian nhàn rỗi hơn trong vòng một năm để tự thêu đồ cưới và chuẩn bị những thứ cần thiết về nhà chồng.
Thêm chú thích
 Đến ngày cưới, khi mặt trời chưa thức giấc, cô dâu phải dậy chuẩn bị trang phục thật sớm, trùm kín mặt để đoàn rước dâu trở về nhà trai. Bởi, người Dao Đỏ quan niệm rằng mọi điều tốt đẹp nhất sẽ bắt đầu từ những buổi sớm mai.
Khi đoàn rước dâu về, chú rể không được phép ra đón, không được nhìn mặt cô dâu cho đến khi thực hiện xong nghi thức làm lễ gia tiên. Sau đó, cô dâu được cởi khăn che mặt, đưa vào một chỗ kín đáo chờ đến giờ tốt mới ra chào khách. Từ lúc này trở đi, hai trái tim vàng chính thức thuộc về nhau.
Tục ba lần cưới của người Khùa ở tỉnh Quảng Bình
Theo phong tục của người Khùa, để được chân chính công nhận là vợ chồng thì người chồng phải tổ chức được ba lần cưới trong đời mình với “người trong mộng”.
Khi cả hai “bốn mắt đưa tình lúng liếng, cái bụng đã ưng, bàn tay muốn nắm, đôi môi thèm kề”, trước tiên chàng trai phải tìm cách cướp vợ. Chàng trai sẽ chuẩn bị lễ vật gồm một thanh kiếm, một con gà và rượu cùng với cậu hoặc chú đến nhà cô gái vào lúc nửa đêm. Nhân lúc mọi người trò chuyện, uống rượu say sưa, chàng trai sẽ lẻn vào phòng bắt cóc nàng mang về nhà. Nếu thành công, người con trai sẽ chuẩn bị một số lễ vật là gà, rượu, mâm cơm đem sang nhà gái để làm lễ tạ tội với cha mẹ vợ. Từ đó đôi vợ chồng trẻ được phép về ở cùng nhau và đây được coi là lễ cưới đầu.
Nhưng thử thách vẫn chưa dừng lại ở đó. Chàng trai Khùa phải tổ chức lễ cưới lần hai và nhất thiết phải mổ bò, heo, và rượu để mời cả bản đến ăn mừng. Tuy nhiên, lớn nhất vẫn là lễ cưới lần ba. Lễ vật phải gấp đôi lần hai vì người Khùa cho rằng đó là lễ quan trọng và ý nghĩa nhất, nó minh chứng cho mối tình thủy chung, sắt son của đôi vợ chồng người Khùa. Và lúc này, đôi uyên ương mới được mọi người công nhận là vợ chồng chính thức.
Thời gian các lần tổ chức lễ cưới phụ thuộc vào điều kiện kinh tế của cô dâu chú rể. Vì chi phí tổ chức ba lần rất tốt kém nên không phải đôi vợ chồng nào cũng có điều kiện để tổ chức. Nếu chú rể khá giả thì sẽ tổ chức sớm, ngược lại nhiều người đến khi có mấy mặt con, thậm chí đến khi “về đất” vẫn chưa tổ chức được lễ cưới chính thức. Nhưng có một nét đẹp đáng để ngưỡng mộ là người Khùa không bao giờ nghĩ đến chuyện bỏ nhau dù có cãi vã hay gặp phải sóng to gió lớn!
Tổ chức đám cưới hai lần của người Hà Nhì
Người Hà Nhì sinh sống ở vùng đất giáp ranh Lai Châu và Lào Cai. Vào mỗi dịp trong bản có lễ hội, các chàng trai cô gái Hà Nhì sẽ trùm chăn chung để hát giao duyên với nhau, nhưng vẫn giữ khoảng cách. Bởi, người Hà Nhì rất khắt khe với những cô gái chưa có gia đình. Sau những lần giao duyên đó, nếu ưng nhau thì chàng trai sẽ dắt cô gái về nhà ra mắt cha mẹ để xin phép cưới. Nếu được ưng thuận, lễ cưới sẽ được tiến hành dưới hình thức bữa cơm thân mật với sự chứng kiến của người thân và bà con hàng xóm. Đó là lễ cưới lần một.
Nét đẹp của cô gái Hà Nhì trong trang phục truyền thống
Từ đây, người vợ ở hẳn bên nhà chồng. Lễ cưới lần hai khá tốn kém khi nhà gái đãi khách trong một ngày, nhà trai đãi hai ngày. Vì thế mà tiệc cưới lần này chỉ diễn ra khi hai vợ chồng đã có điều kiện kinh tế. Thậm chí, có người đến vài chục năm sau mới có khả năng tổ chức.

Kỳ 2: Hành trình đi ở rể của các tân lang
Lên đầu trang