Đau đầu chuyện sống riêng sống chung

Cô dâu chú rể có thể sống cùng bố mẹ vài tháng để làm vui lòng gia đình sau đó mới chuyển ra ở riêng...
Với mỗi đôi uyên ương, việc lựa chọn, tìm kiếm nơi ở sau đám cưới là chuyện không phải dễ dàng, đôi khi có thể gây ra những bất đồng giữa cô dâu chú rể. Đặc biệt, với những đôi uyên ương có gia đình sống gần nhau, có nhiều lựa chọn là ở cùng một trong hai nhà hoặc ở riêng thì việc quyết định càng khó khăn hơn.
Nhiều cô dâu muốn ở riêng, thậm chí có cô dâu là con gái một lại mong muốn nhà mẹ đẻ để phụng dưỡng cha mẹ nhưng nhà trai và chú rể đều không muốn, gây ra tranh cãi không đáng có. Tốt nhất, đôi uyên ương nên thống nhất với nhau và với gia đình trước khi tổ chức lễ ăn hỏi để mọi chuyện liên quan đến đám cưới đều suôn sẻ. 
Các đôi uyên ương luôn mơ ước tới một cuộc sống riêng lãng mạn sau khi cưới. Ảnh: Lifephoto.
1. Lựa chọn, ý muốn của cô dâu chú rể
Cô dâu Hoàng Anh (Hà Nội) chia sẻ, sau khi cưới, cô muốn tận hưởng khoảng thời gian riêng tư của hai vợ chồng nên muốn thuê nhà cho tiện, nhưng gia đình nhà chồng không đồng ý nên thủ tục cưới hỏi dù đã lo liệu đầy đủ mà vẫn chưa quyết định được chuyện sống chung hay sống riêng. Một trường hợp khác, chú rể là người ngoại tỉnh, còn cô dâu có gia đình tại Hà Nội nên cô dâu muốn gợi ý chú rể sống tại nhà gái để ổn định cuộc sống, sau đó mới chuyển ra sống riêng nếu đủ điều kiện kinh tế. Tuy nhiên không phải chú rể nào cũng chấp nhận ở nhà vợ vì nhiều lý do, tâm lý khác nhau. Dù trong bất cứ trường hợp nào, muốn ở chung hay ở riêng, điều quan trọng nhất là đôi uyên ương phải ủng hộ nhau, khi đó mới có thể thuyết phục được gia đình đồng ý với lựa chọn của mình.
Cuộc sống chung cùng gia đình sẽ vui vẻ, hạnh phúc nếu đôi uyên ương hòa hợp với bố mẹ
2. Ưu, nhược điểm của việc sống chung, sống riêng
Trong hai phương án sống chung và sống riêng, mỗi lựa chọn đều có những ưu, nhược điểm nhất định.
* Sống chung:
- Ưu điểm: Đôi vợ chồng trẻ có thể cậy nhờ bố mẹ trong chuyện lo liệu công việc nhà hoặc ít nhất là được bố mẹ ủng hộ về mặt tinh thần, lại có thể thường xuyên quan tâm, chăm lo tới cho bố mẹ. Hơn thế, khi sống tại nhà bố mẹ, cô dâu chú rể mới cưới sẽ không phải lo lắng tới tiền thuê nhà hay tìm nhà thuê khi hết hạn.
- Nhược điểm: Nhiều đôi vợ chồng trẻ hiện đại, có lối sống phóng khoáng, trẻ trung sẽ khó hòa hợp, không tìm được tiếng nói chung với bố mẹ, dễ nảy sinh những bất đồng khi sống chung. Nhiều cô dâu lý giải, họ không muốn làm dâu vì sợ gặp phải va chạm giữa bố mẹ chồng và nàng dâu, nên tốt nhất ngay từ đầu cần tránh, thỉnh thoảng mới về thăm bố mẹ, lúc đó tình cảm sẽ dễ chịu, bền vững hơn. Trong trường hợp chú rể sống chung với gia đình nhà cô dâu, có thể sẽ gặp phải những sức ép về tâm lý, cảm thấy không thoải mái trong cuộc sống hàng ngày.
* Sống riêng:
- Ưu điểm: Khi sở hữu một tổ ấm riêng, chỉ có hai người, đôi uyên ương sẽ thỏa thích làm theo ý mình mà không phải lo lắng tới thái độ của bố mẹ. Một số cô dâu còn cho rằng, khi sống riêng họ sẽ thảnh thơi hơn vì không phải lo liệu cho cả một gia đình lớn.
- Nhược điểm: Điều cần cân nhắc lớn nhất khi quyết định ra riêng là đôi uyên ương phải dựa vào kinh tế của hai người. Ngân sách cho việc thuê nhà và chi trả cuộc sống là điều không đơn giản đối với đa số các cặp uyên ương mới cưới. Một nhược điểm khác khi chọn sống riêng là cả hai sẽ phải chịu trách nhiệm với toàn bộ công việc trong nhà, hai vợ chồng phải thay phiên nhau quán xuyến việc nhà, đôi khi có thể gây ra áp lực, mệt mỏi vì không có ai giúp đỡ, phụ trợ.
Khi sống riêng, các cô dâu sẽ phải dành nhiều thời gian quán xuyến gia đình, nhưng bù lại sẽ có nhiều thời gian riêng tư. Ảnh: Lifephoto.
4. Giải pháp cho các đôi uyên ương hiện đại
Để giải quyết chuyện sống chung hay sống riêng, đôi uyên ương cần thống nhất với nhau một giải pháp hợp lý. Bạn không nên gây bất đồng ngay chính trong quan hệ vợ chồng, vì khi đó tình cảm của cả hai cũng bị ảnh hưởng. Trước ngày tổ chức lễ cưới, cô dâu và chú rể phải tìm ra phương án thoải mái nhất dành cho hai người và khi đã lựa chọn, cả hai phải chấp nhận với điều mình đã chọn và không nên tỏ thái độ không vừa lòng trong cuộc sống sau này.
Trong trường hợp cả hai người đều muốn ở riêng, nhưng gia đình chú rể không đồng ý, cô dâu chú rể có thể làm vui lòng bố mẹ bằng cách sống cùng gia đình khoảng 6 tháng sau đó thuyết phục gia đình cho ra ngoài sống. Ít nhất việc đôi uyên ương sống chung với gia đình trong thời gian đầu ngay sau đám cưới sẽ làm bố mẹ cảm thấy yên tâm và vui vẻ hơn. Nếu gia đình quá khó khăn, bạn có thể đưa ra phương án thuê nhà hoặc mua nhà ngay gần nhà bố mẹ để tiện đi về, thăm hỏi bố mẹ hàng ngày. Chắc chắn khi thấy thành ý của hai người, các bậc phụ huynh sẽ không phải đối chuyện ở riêng.
Với trường hợp cô dâu là con một, muốn sống chung với gia đình nhà gái nhưng chú rể không đồng ý thì có thể giải quyết bằng cách hai người sẽ lần lượt sống cùng cả nhà trai và nhà gái. Tháng đầu tiên sau đám cưới, cô dâu chú rể có thể sống ở nhà bố mẹ chồng, tới tháng thứ hai lại quay về nhà bố mẹ vợ, tiếp đến tháng thứ ba sẽ là sống cùng nhà chồng và cứ tiếp tục cuộc sống như vậy để hợp ý cả cô dâu và chú rể.
Với bất cứ trường hợp nào, đôi uyên ương cũng nên thảo luận việc này với bố mẹ cả hai bên và được sự đồng ý của cả hai gia đình để tránh xảy ra các mâu thuẫn sau này.
Theo: Ngoisao
Lên đầu trang