5 điều bạn dễ bỏ qua khi chuẩn bị cưới

Chuẩn bị cưới luôn là giai đoạn đau đầu của các cô dâu chú rể khi phải kiêm nhiệm rất nhiều việc để chu toàn cho ngày cưới tương lai. Thế nhưng, nhiều tình huống dở khóc dở cười sẽ dễ dàng tìm đến bạn, nếu bạn không chú ý đến một số điều quan trọng có thể khiến ngày cưới mất vui hoặc thiếu trọn vẹn..
1. Cam kết rõ ràng trước khi bắt tay với nhà cung cấp dịch vụ cưới
Dịch vụ cưới ngày càng nhiều và phong phú đến mức bạn vẫn muốn cân nhắc lại lần nữa khi đã ra quyết định cuối cùng. Một phần tâm lý này là do bạn chỉ có thể tổ chức ngày cưới một lần, nên bạn sẽ vừa bỡ ngỡ, lại vừa cầu toàn, dẫn đến việc bạn thường lo lắng, nhất là khi gần đến ngày cưới. Bên cạnh đó, khi các trang mạng cộng đồng ngày càng phổ biến với nhiều chia sẻ phong phú, bạn sẽ chìm ngập trong vô vàn nhận xét tốt xấu từ rất nhiều thành viên khác nhau.
Đặt bút ký hợp đồng cưới cần có sự bàn luận thật kỹ với nhà cung cấp dịch vụ
Bạn có thể tin nhà cung cấp một lần, nhưng bạn cũng chỉ có thể tổ chức lễ cưới này một lần. Vì vậy, dù có tin tưởng nhà cung cấp đến mấy, bạn cũng nên nhờ họ cam kết rõ ràng với bạn mọi thứ. Do đó, hợp đồng và các điều khoản kèm theo phải được đọc kỹ và ký bởi cả hai bên. Thế nhưng, bạn cũng sẽ đối mặt với nhiều trường hợp nhà cung cấp không làm hợp đồng. Cách tốt nhất để tránh cam kết miệng là viết ra những ý mà bạn cần bên đó đảm bảo và nhờ họ ký vào để xác nhận.
Thêm nữa, với những dịch vụ mà bạn sẽ tốn kha khá tiền như hợp đồng tiệc cưới, chụp ảnh cưới, trang phục cưới,... bạn nên đề nghị bên cung cấp dịch vụ ghi rõ chi tiết những gì họ cung cấp như: thực đơn mỗi bàn, chi phí tiệc được ưu đãi ra sao, những phí nào có thể phát sinh và chưa bao gồm trong hợp đồng hiện tại; chi phí chụp ảnh trọn gói bao gồm và chưa bao gồm các khoản gì, thời gian và thời lượng, địa điểm chụp ảnh, xác định cụ thể người chụp ảnh, loại máy ảnh sử dụng, người trang điểm; loại vải sử dụng, thời gian lấy áo,... Có thể hai bên đều sẽ cảm thấy hơi khó chịu nếu làm cách này, nhưng tin tưởng trên cơ sở cam kết rõ ràng giữa hai bên sẽ bền vững hơn niềm tin dựa trên vài buổi gặp gỡ và dùng thử dịch vụ.
2. Thống nhất mọi thứ cùng nhau ngay từ đầu giữa hai gia đình
Cùng thống nhất ngay từ đầu những ý kiến của cả hai khi thảo luận việc chuẩn bị cưới
Dù hai bạn luôn hiểu và đoán biết sở thích, phong cách của nhau nhưng các cô dâu chú rể cũng cần chia sẻ và thống nhất với nhau trong việc lựa chọn các dịch vụ. Hoặc hai bạn cũng có thể phân công những khoản mỗi nhà phụ trách với những thống nhất cơ bản để tránh làm mất hòa khí đôi bên. Việc gần gũi và trao đổi với người lớn để đi đến đồng thuận chung giữa hai nhà cũng quan trọng không kém quyết định chung của hai bạn. Người lớn đã trải qua kinh nghiệm cưới nên cũng sẽ là nhà tư vấn đáng tin cậy cho những thủ tục nghi lễ và những điều cần lưu ý cho ngày cưới.
3. Chuẩn bị trước cho cuộc sống sau hôn nhân
Chuẩn bị từ trước ngân sách sau hôn nhân sẽ giúp ngày cưới bớt phần lo lắng
Bên cạnh ngân sách cưới khá lớn, hai bạn nên dành ra một khoản sắm sửa cho cuộc sống mới (nhà cửa, đồ nội thất, chăn ra gối nệm,...) và một khoản tiết kiệm chung nho nhỏ để sẵn sàng cho cuộc sống vợ chồng sau khi cưới. Một số cô dâu chú rể muốn đầu tư cho lễ cưới thật suôn sẻ nên dễ bỏ quên khoản tiền quan trọng này.
Nếu bạn quyết định sống riêng, khoản tiền sắm sửa phải lớn hơn số tiền dự kiến cho việc mua nhà (hoặc tiền thuê nhà trong ít nhất 6 tháng sau cưới) và đồ nội thất cơ bản. Nếu bạn quyết định sống cùng bố mẹ, khoản tiền sắm sửa chủ yếu cho phòng ngủ và vật dụng sinh hoạt riêng của hai vợ chồng. Ngoài ra, khoản tiết kiệm chung tốt nhất nên đủ duy trì cuộc sống của hai bạn trong vòng ít nhất 2 - 3 tháng đầu.
4. Mọi chi phí đều cần thêm một khoản dự phòng
Dự phòng một khoản cho những khoản phí phát sinh khi cưới là điều cần thiết
 Chi phí cưới luôn phát sinh vào những lúc bạn không ngờ nhất, dù bạn chuẩn bị kỹ đến đâu. Từ ngân sách cưới ban đầu, bạn nên trích khoảng từ 10-20% số tiền cho quỹ dự phòng. Còn lại, bạn bắt đầu phân bổ tiền vào từng dịch vụ cưới mà bạn sẽ đặt và sử dụng. Như vậy, bạn cũng sẽ tránh được tình trạng bội chi sau khi cưới, đồng thời khoản dư từ quỹ dự phòng có thể trang trải thêm cho cuộc sống mới.
5. Đăng ký kết hôn
Đăng ký kết hôn để được công nhận về mặt pháp lý
Một số cô dâu chú rể mải mê chuẩn bị lễ cưới mà quên mất thủ tục đăng ký kết hôn để đảm bảo hôn nhân được công nhận về mặt pháp lý. Bạn có thể làm thủ tục đăng ký kết hôn trước hoặc sau khi cưới đều được, tùy thuộc vào việc sắp xếp thời gian và chuẩn bị giấy tờ của hai bạn. Tuy nhiên, đa số lựa chọn giải pháp đăng ký trước để được pháp luật công nhận, mới đi đến quyết định chọn ngày tổ chức cưới.
Petit
Nguồn ảnh: internet
Lên đầu trang