Đám cưới miệt vườn miền Tây Nam Bộ

Đặc trưng của tính cách Nam Bộ là sự phóng khoáng, hào sảng trong ứng xử cuộc sống. Vậy nên đám cưới Nam Bộ nhất là ở miệt vườn miền Tây luôn có không khí đầm ấm, thân tình và cũng không kém phần vui nhộn.
Không thể thiếu nghi lễ lên đèn
Ngày xưa, cuộc hôn nhân của người Nam Bộ thông thường phải trải qua 6 lễ gọi là lục lễ: lễ Giáp lời – hay lễ dạm, lễ Thông gia – đàng gái đáp lễ qua thăm nhà trai, lễ Cầu thân, lễ Đính hôn - hay lễ hỏi và cuối cùng là lễ Cưới chính thức. Ngày nay, với phong cách sống giản dị, hiện đại hơn, người miền Tây nhiều nơi chỉ còn giữ ba lễ chính là dạm ngõ, lễ hỏi và lễ cưới.
Lễ cưới hay còn gọi là đám cưới được chuẩn bị rất công phu. Lễ cưới được diễn ra ở cả hai nhà dâu, rê. Trước lễ cưới, người ta bắt đầu cho dựng rạp cưới. Rạp cưới thường được làm bằng tre, chuối và trang trí lá đủng đỉnh, tàu lá dừa, tàu lá dừa nước, hoa cau rất bắt mắt, trước rạp là cổng hoa. Nhà gái treo trên cổng hoa tấm bảng Vu Qui còn nhà trai là Tân Hôn. Đêm trước khi đưa dâu, gia đình cô dâu thường tề tựu đông đủ, gọi là họp gia đình, thống nhất của hồi môn cho cô dâu, dặn dò cô dâu trước khi xuất giá và chọn ra thành phần đàng gái đi đưa dâu. Thông thường buổi họp gia đình cô dâu rất nhộn nhịp nhưng cũng đầy tình cảm, xem như buổi cô dâu chia tay gia đình về nhà chồng. Trong buổi họp còn có món cháo vịt hay cháo gà để bà con ăn lấy sức ngày mai đưa dâu.
Cổng hoa thường được trang trí bằng lá dừa, lá dứa, lá đủng đỉnh
Về phần bên nhà chú rể cũng có buổi họp gia đình như vậy để thống nhất thành phần đoàn rước dâu và món cháo khuya cũng được ưa dùng, vừa để lót dạ lấy sức vừa để mọi người có dịp họp mặt chuyện trò, uống với nhau vài ly “đưa cay”.
Nếu nhà trai ở quá xa nhà gái thì thông thường cỗ cưới sẽ được bày ra ở cả hai nơi. Từ rất sớm, họ nhà trai sẽ cử một đoàn sang nhà gái để làm lễ rước dâu. Lễ rước dâu quan trọng nhất ở họ nhà gái phải có nghi thức lên đèn.
Nghi thức lên đèn là nghi thức không thể thiếu
Hai ngọn nến to, do đàng trai đem đến được đặt trên bàn thờ ông bà. Người trưởng tộc bèn khui một chai rượu, trong số hai chai do đàng trai đem đến. Ông đứng trước bàn thờ ngay chính giữa, cô dâu và chú rể đứng hai bên, im lặng. Hai ngọn đèn được đốt lên, từ ngọn lửa của cái đèn trứng vịt nhỏ của bàn thờ (hiểu là lửa hương hỏa). Hai ngọn đèn cháy từ từ, đặt sát nhau vì người làm lễ đang áp vào hai tay, như khấn vái. Khi lửa cháy đều ngọn, ông này từ từ giang cánh tay ra trao cho hai người trợ lý mỗi bên một ngọn để cắm vào chân đèn. Ngọn đèn phải cháy thong dong, đều đặn, nếu bên cao bên thấp thì sẽ có dư luận chàng rể sợ vợ, cô dâu sẽ lấn hiếp chồng. Ðề phòng nến tắt, nhiều người đóng cửa sổ thật kỹ, sợ gió tạt hoặc tạm thời tắt quạt máy. Ngày nay, đèn chế biến bằng hóa chất, không làm bằng sáp ong như xưa nên dễ tắt bất ngờ.
Đặc trưng đám cưới miền Tây: Rước dâu bằng đường thủy
Sau khi làm lễ lên đèn, coi như cô dâu đã xuất giá. Theo truyền thống thì gia đình miền Tây sẽ ăn cỗ bên nhà gái vào dịp lễ hỏi sau đó nhà trai sẽ đáp lễ trong lễ cưới, tuy nhiên ngày nay để cho giản tiện thì làm lễ lên đèn xong, nhà gái sẽ mời tiệc luôn. Nhà trai có thể lưu lại chờ hôm sau mới rước dâu về vì đường xa. Một nét đặc trưng cho đám cưới miệt vườn là nhà trai có thể rước dâu bằng đường thủy, trên ghe kết hoa, làm náo nhiệt cả một vùng sông nước. Khi cô dâu về nhà trai cũng sẽ diễn ra lễ bái gia tiên và sau đó là yến tiệc long trọng do đàng trai tổ chức. Nếu hai nhà ở gần nhau, nhà trai và nhà gái có thể thỏa thuận đãi cùng một nơi ở nhà trai cho giản tiện vì khách mời đa phần đều quen biết cả hai họ.
Miền Tây sông nước nên rước dâu cũng mang nét đặc trưng không ở đâu có
Tiệc cưới ở miền Tây thường không có giờ giấc nhất định, người ta chỉ nhớ ngày cưới. Sau khi đi làm đồng và các công việc nhà thì khách mới bắt đầu sang dự tiệc. Vậy nên đám cưới thường kéo dài nguyên một ngày, cứ xếp đủ 10 khách vào một bàn là bắt đầu lên tiệc. Người miền Tây rất chuộng ca hát nên trong đám cưới thường mướn một dàn nhạc để bà con, khách khứa giao lưu. Nhà nào khá giả thì mời được cả ca sĩ miệt vườn góp vui. Có nhiều khi đàn ca vọng cổ cũng góp mặt trong tiệc cưới.
Cỗ cưới Nam Bộ thường có 5 món, đều làm từ những sản vật của địa phương. Đặc biệt, có những điều kiêng kị trong thực đơn tiệc cưới của người Nam bộ ngày xưa, mà bất cứ ai dù giàu sang dù bần hàn đều phải nhớ tránh: các món canh chua, canh đắng và món mắm. Dù miền Nam là nơi sản sinh ra các loại mắm cá đồng với những thứ chế biến từ mắm tuyệt ngon như mắm ruột, mắm kho và rau (ngày nay là lẩu mắm), nhưng không bao giờ mắm có trong thực đơn. Lý do đơn giản: ngày cưới người ta kỵ những thứ gì gợi lên đắng cay, chua chát và hôi hám (mắm dù ngon nhưng vẫn là món nặng mùi). Tương tự, cá lóc nướng trui dù là một trong những đặc sản, chỉ miền Nam mới có, nhưng cũng không bao giờ có mặt trong bữa tiệc, cưới hỏi, trong khi cá hấp thì có. Người ta kiêng bởi hình ảnh con cá nướng trui tượng trưng cho sự cháy xém đen đủi. Việc chuẩn bị cỗ cưới có thể do ở nhà tự làm hoặc đặt thợ nấu. Khi một nhà có tiệc thì hàng xóm xung quanh sẽ sang phụ giúp phục vụ cỗ cưới hay rửa chén, bày mâm mà không kể giờ giấc.
Rước dâu qua cầu khỉ là "đặc sản" trong đám cưới miền Tây
Người miền Tây cũng ưa uống rượu trong tiệc cưới và đã uống là uống hết mình, khách phương xa đến có thể phải uống với rất nhiều người để “chào sân”. Ly rượu thường được chuyền tay nhau dần dần, mỗi lần uống nửa ly gọi là “cưa đôi”. Ai muốn “cứu” hoặc uống sai “tụ” thì thường bị phạt “vào ba ra bảy” nghĩa là muốn vào vòng phải uống liền 3 ly, muốn rút khỏi vòng phải bị phạt liền 7 ly. Đây là một nét hào sảng của dân sông nước nhưng đôi khi vài thực khách quá say gây ra chút rắc rối cho gia chủ.
Đám cưới miền Tây có thể xem là một ngày hội thật sự cho người dân trong thôn xóm. Nhà nào cỗ cưới càng lớn, người dự càng đông thì không chỉ chứng tỏ được vai vế của mình ở địa phương mà còn cho thấy thường ngày họ ứng xử rất chân tình, đẹp đẽ với bà con xóm giềng. Chỉ một lần tham dự đám cưới miệt vườn, bạn chắc chắn sẽ nhớ mãi.
Khắc Huy
Ảnh minh họa: Internet
Lên đầu trang