Mâm quả trong lễ ăn hỏi miền Bắc

Lễ ăn hỏi là theo cách gọi của người Bắc, còn người Nam và một số vùng khác gọi là lễ đính hôn, lễ nạp tài và có những thủ tục khác nhau. Cách chọn mâm quả của các miền cũng khác nhau..
Trong các thủ tục cưới hỏi theo nghi thức truyền thống của Việt Nam, ăn hỏi là nghi lễ quan trọng nhất bởi đó là lời thông báo chính thức việc hứa hôn cho hai con giữa hai gia đình nhà trai và nhà gái.
Chính vì vậy, phần chuẩn bị lễ vật để nhà trai đưa tới nhà gái trong lễ ăn hỏi được quan tâm đặc biệt. Nhìn vào số lượng mâm quả và các vật lễ trên mâm quả cưới, người ta có thể đoán được sự chu đáo, sự giàu có, sung túc của nhà trai, sự yêu mến của nhà trai dành cho cô con dâu tương lai đến chừng nào. Cả hai đàng nhà trai và nhà gái đều muốn đẹp trong mắt bà con hai họ, xóm giềng nên lễ ăn hỏi của người Bắc thường được chuẩn bị rất chu đáo và kỹ càng.
Để biết được số lượng mâm quả trong lễ ăn hỏi, nhà trai sẽ đến thăm nhà gái và hai nhà bàn bạc kỹ lưỡng. Buổi thăm viếng đó được gọi là lễ dạm ngõ. Theo cách gọi của ông bà ta xưa, nhà gái sẽ đưa ra lời “thách cưới”, bao nhiêu mâm quả (hay còn gọi là tráp), những loại lễ vật gì và lễ dẫn cưới (tiền mặt) là mấy lễ, mỗi lễ là bao nhiêu.
Số lượng – mâm lẻ, lễ chẵn
Số lượng mâm quả (tráp cưới) trong lễ ăn hỏi ở miền Bắc luôn luôn là số lẻ, có thể từ 3, 5, 7, 9 đến 11 tráp. Nhưng số lễ trên mâm quả thì nhất thiết phải là số chẵn, luôn đi theo cặp, chẳng hạn như cau thì phải 100 quả, bánh cốm 100 chiếc, mứt sen trần 100 hộp. Người xưa quan niệm số lẻ tượng trưng cho sự phát triển, còn số chẵn tượng trưng cho việc có cặp có đôi. Vì thế, số lượng mâm quả và lễ vật luôn đi theo số lẻ và số chẵn với ý niệm cầu chúc và mong muốn cho cặp vợ chồng trẻ luôn luôn có nhau và cùng nhau sinh con đàn cháu đống, sống đến đầu bạc răng long.
Số lượng mâm quả (tráp) trong lễ ăn hỏi ở miền Bắc luôn luôn là số lẻ, nhưng số lễ trên mâm quả thì nhất thiết phải là số chẵn.
Cách chọn mâm quả
Theo nghi lễ truyền thống từ xưa tới nay, lễ vật sẽ được đựng trong các mâm sơn son thếp vàng, người Bắc gọi là tráp ăn hỏi. Dù số lượng từ ít là 3 tráp đến nhiều là 11 tráp thì mâm trầu cau truyền thống là mâm không thể thiếu được trong lễ ăn hỏi. “Miếng trầu mở đầu câu chuyện” – là vật lễ dẫn dắt đầu tiên rồi mới đến những loại mâm lễ khác. Sau đó tùy vào số lượng tráp cưới mà người ta chọn lựa các lễ vật khác cho lễ ăn hỏi.
Mâm trầu cau truyền thống không thể thiếu được trong lễ ăn hỏi
Lễ ăn hỏi 3 tráp thường có: mâm trầu cau (không thể thiếu), mâm chè, mâm hạt sen.
Lễ ăn hỏi 5 tráp thường có: mâm trầu cau (không thể thiếu), mâm chè, mâm hạt sen, mâm rượu và thuốc lá, mâm bánh cốm.
Lễ ăn hỏi 7 tráp thường có: mâm trầu cau (không thể thiếu), mâm chè, mâm bánh cốm, mâm rượu và thuốc lá, mâm hạt sen, mâm bánh phu thê, mâm bánh đậu xanh.
Lễ ăn hỏi 9 tráp thường có: mâm trầu cau (không thể thiếu), mâm chè, mâm bánh cốm, mâm rượu và thuốc lá, mâm hạt sen, mâm bánh phu thê, mâm bánh đậu xanh, lẵng hoa quả kết rồng phụng, mâm lợn sữa quay.
Lễ ăn hỏi 11 tráp thường có ít nhà chọn lựa, và ngoài những mâm quả như lễ 9 tráp, người ta có thể thêm vào đó những vật lễ khác, chẳng hạn như: tháp bia lon, mâm bánh nướng bánh dẻo, mâm xôi gấc trang trí đậu xanh… Tất cả các lễ vật được sắp xếp rất đẹp, theo hình tháp, bày trong mâm quả sơn son thếp vàng, phủ khăn rồng phụng màu đỏ.
Lễ dẫn cưới thể hiện lòng kính trọng của nhà trai đối với công ơn dưỡng dục của cha mẹ cô dâu.
Lễ dẫn cưới (tiền mặt) được để trên một khay riêng và mẹ chú rể sẽ cầm khay lễ đến, trao cho mẹ cô dâu trước khi mở các lễ vật khác trao cho nhà gái, xin ăn hỏi con gái về làm dâu con trong nhà. Lễ dẫn cưới thể hiện lòng kính trọng của nhà trai đối với công ơn dưỡng dục của cha mẹ cô dâu vì người xưa quan niệm rằng nhà trai sau lễ cưới được thêm người, còn nhà gái thì ngược lại. Mặt khác lễ vật cũng biểu thị sự quý mến, yêu thương của nhà trai dành cho cô con dâu tương lai.
Khánh Linh
Ảnh: Nupakachi
Lên đầu trang