Lời khuyên cho “Thuở bơ vơ mới về”

Mặc dù đã quen biết nhau khi đôi bên tìm hiểu nhưng việc chung sống dưới một mái nhà với nhà chồng sẽ nảy sinh nhiều vấn đề mà có thể các nàng dâu sẽ không ngờ đến. Nhất là quan hệ mẹ chồng – nàng dâu vốn đã khá nhạy cảm vì hai bên cùng yêu thương và chia sẻ chung một người đàn ông trong nhà. Với người mẹ, “con trai là tất cả” và dĩ nhiên với người vợ, “chồng em là trên hết”.
 Làm thế nào để có cuộc sống lứa đôi hạnh phúc và dung hòa những mối quan hệ khác bên nhà chồng? Điều đó tùy thuộc vào bản thân bạn. Các nàng dâu không nên quá lo lắng bởi ngôi nhà nơi người bạn đời của mình sinh ra và lớn lên ắt hẳn phải là một tổ ấm thực sự thì anh ấy mới tuyệt vời đến thế. Và tổ ấm đó từ nay cũng sẽ là nhà của bạn. Bạn không chỉ được chung sống với khoảng trời quá khứ và hiện tại của chồng mà còn góp phần vun vén cũng như có thêm nhiều người để yêu thương và được yêu thương.
Mẹ chồng cũng là mẹ và sẽ yêu thương bạn
Tôn trọng và sống thực
Quà cáp và những lời khen ngợi liên tục dành cho mẹ chồng và các thành viên khác là cách nhanh nhất để chiếm cảm tình nhưng bạn nên nhớ điều gì “dễ đến thì dễ đi” và các nàng dâu sẽ nhanh chóng cảm thấy mệt mỏi. Tình cảm gia đình phải được xây dựng trong một quá trình lâu dài với sự thông hiểu và yêu thương nhau. Vì thế, nguyên tắc vàng đầu tiên là tôn trọng gia đình chồng và sống thực với chính mình.
Nếu vợ chồng bạn may mắn được mẹ chồng chăm lo cho bữa cơm, bạn hãy nói với mẹ rằng bạn rất cảm ơn vì điều đó. Không nên chê món ăn bạn không thích nhưng cũng không nên dành những lời khen sáo rỗng cho những món không ngon. Một người mẹ chồng tinh tế sẽ biết bạn đang nói dối. Khi có thời gian rảnh, bạn nên hi sinh những phút “ngủ thêm một chút” để cùng mẹ chồng nấu nướng hay chăm sóc nhà cửa. Sự gần gũi sẽ càng gia cố thêm cho tình cảm mẹ chồng – nàng dâu thêm vững bền. Không nên việc gì cũng nghe lời mẹ chồng nhưng nên tôn trọng ý kiến của mẹ. Nếu có những bất đồng xảy ra, bạn nên trình bày quan điểm của mình một cách nhẹ nhàng, thuyết phục để mẹ hiểu bạn tôn trọng gia đình chồng nhưng cũng có chủ kiến riêng của mình.
Đừng vội đánh giá các thành viên nhà chồng qua câu nói lỡ lời lúc vui đùa hay kiến thức, hiểu biết xã hội của họ không bằng bạn. Ai cũng có những mặt mạnh, yếu và chuyên môn của riêng mình. Tôn trọng và lắng nghe họ, chắc chắn, bạn sẽ học thêm nhiều điều mới cho mình.
Biết lắng nghe, ghi nhớ và chia sẻ
Khi sự hiện diện của bạn đã trở nên thân thuộc trong gia đình chồng, các thành viên sẽ chia sẻ nhiều điều với bạn. Thường những người trẻ sẽ có xu hướng dễ gần và thích được sẻ chia hơn người lớn tuổi. Lắng nghe câu chuyện và cố gắng ghi nhớ những thông tin như: ngày sinh nhật, sở thích, màu sắc, âm nhạc, món ăn… của các thành viên để có thể hiểu gia đình mới của bạn hơn cũng như trải lòng yêu thương và quan tâm đúng mực. Hãy trở thành một người chị, người em, người bạn chân thành đối với chị em nhà chồng và biết đưa ra lời khuyên hợp lý, đúng lúc.
Các nàng dâu cũng không nên làm “người bí ẩn” trong gia đình chồng vì không chịu nói về mình. Kể những câu chuyện phù hợp, dành thời gian cho các thành viên nhà chồng, tâm sự, sẻ chia những cảm giác của bạn cũng là cách để trở nên gần gũi và hòa nhập hơn. Tuy nhiên, nói năng cũng phải “lựa lời”. Các nàng dâu nên tránh so sánh trực diện với câu cửa miệng: “Hồi còn ở nhà…” Điều đó sẽ làm tổn thương mẹ chồng và các thành viên khác vì nơi bạn sống hiện tại cũng thực sự là nhà của bạn.
Bạn và mẹ chồng có cùng nhìn về một hướng?
Là thành viên nhiệt tình trong gia đình
Trở thành nàng dâu nghĩa là bạn đã chính thức là một thành viên của gia đình nhà chồng. Vì thế từ nay, bạn hãy tự gánh vác một phần trách nhiệm đối với việc chung của cả nhà. Hãy xung phong đi họp phụ huynh cho em chồng, đưa mẹ đi thăm họ hàng hay lãnh trách nhiệm đặt mua bộ nồi mới; tranh thủ có mặt trong những ngày giỗ, lễ kỷ niệm của gia đình… Để tạo thêm cảm hứng cho chính mình và những người thân trong nhà, bạn cũng có thể mua thêm đồ dùng gia đình hay những món trang hoàng nhà cửa theo sở thích. Tuy nhiên, việc này cần phải hỏi ý kiến cũng như thuyết phục bố mẹ chồng trước khi thực hiện.
Chồng là cầu nối quan trọng để giúp bạn sớm hòa nhập vào gia đình. Bạn nên nhờ chồng ngỏ lời những chuyện khó nói và “lôi kéo” anh ấy cùng bạn tham gia vào những hoạt động chung như cùng nhau nấu ăn đãi cả nhà vào dịp cuối tuần, đưa cả nhà đi picnic…
Hãy là một thành viên thực sự của gia đình
Minh bạch tài chính
Sống chung với nhà chồng, vấn đề đóng góp sinh hoạt phí là điều tưởng đơn giản nhưng lại khá tế nhị. Cách chi tiêu của vợ chồng bạn cũng sẽ là điều mà bố mẹ chồng chú ý. Nếu mỗi tháng, vợ chồng bạn trích một khoảng tiền phụ giúp sinh hoạt phí cho cả nhà thì nên để bố mẹ biết rằng ngân sách đó được trích từ lương của cả hai người. Tránh việc cán cân tiền bạc lệch hẳn về một bên. Bạn cũng tránh mua sắm cho mình hàng loạt quần áo, trang sức mới ngay sau khi về nhà chồng vì sẽ không tránh khỏi suy nghĩ “sự có mặt của bạn sẽ thêm gánh nặng cho chồng”. Khi quyết định mua món đồ mới cho cả nhà, bạn nên thảo luận trước với mẹ chồng và thêm vào câu: “Con thấy giá đó khá hợp lý cho món đồ chất lượng, nếu khéo tiết kiệm, vợ chồng con có thể mua được vào cuối tháng mà không ảnh hưởng chi tiêu…”
Những điều nên và không nên khi về nhà chồng
  • Luôn vui vẻ hòa nhã không chỉ với chồng, gia đình chồng và những người hàng xóm chung quanh nhưng tuyệt đối không được than vãn mẹ chồng với người khác.
  • Thỉnh thoảng mời bạn bè đến nhà chơi để cân bằng thêm tâm lý nhưng lưu ý tránh gây ồn ào, làm những điều cha mẹ chồng không thích hay bàn luận về những mối tình cũ, cuộc sống hôn nhân của bạn trong nhà.
  • Trang phục phù hợp khi ở nhà và ra ngoài. Thông thường lúc đầu, nhà chồng sẽ để ý nhiều đến tư cách của nàng dâu thông qua cách ăn mặc, phục sức, đi đứng.
  • Không quá thân mật với bạn đời trước mặt gia đình chồng. Những cử chỉ âu yếm chỉ nên thể hiện tại không gian dành riêng cho 2 người.
  • Kiềm chế cảm xúc và không nên nói ra những điều không hài lòng khi tức giận. Bạn nên lựa lời nói sau khi mọi thứ đã “nguội” đi.
  • Tránh nhận xét, chỉ trích hành vi, thái độ của chồng hay nhờ vả chồng làm những việc cá nhân cho mình trước mặt bố mẹ.
Mi Ngoan
Ảnh: internet
Lên đầu trang