Mẹ chồng nàng dâu, chuyện dài nhiều tập

Tết tuy vui và ấm cúng, nhưng cũng làm không ít người phải sợ - sợ suốt ngày loay hoay với công việc và việc nhà hai bên nội ngoại, sợ khoản chi tiêu khủng khiếp cho những ngày Tết, sợ cảnh mệt nhọc thay vì được vô tư thoải mái như đám trẻ con…
Tất bật lo lắng cho những ngày đầu năm được suôn sẻ, ai cũng cầu được sự hoàn mỹ nhưng “sợ” Tết nhất hẳn phải là các nàng dâu.
Tết nay đi hay ở?
Bất cứ người con gái nào sau khi lấy chồng, ngoài chức vụ là người vợ thì còn là một người con dâu. Mỗi người có một nỗi khó khăn riêng và không thể so sánh giữa việc làm dâu và cùng chồng dọn ra riêng cái nào tốt hơn được.
Cho dù là đang ở xa thì bố mẹ chồng vẫn ảnh hưởng không ít lên cuộc sống của người con dâu. Lễ lạt hay ngày nghỉ thì chỉ muốn có không gian riêng của gia đình chứ không phải lo nghĩ đến ai khác. Nhưng cứ mỗi dịp như thế, bố mẹ chồng lại bảo về quê hay qua nhà để mọi người lại có dịp đoàn viên.
Không phải là họ không muốn gần gũi với gia đình chồng nhưng trong cuộc sống hôn nhân, đặc biệt là những cặp vợ chồng son, luôn cần những khoảnh khắc của riêng hai người.
Lấy chồng, người con gái phải tập làm quen với công việc có thêm người can thiệp vào cuộc sống riêng tư của mình và tập cư xử và sống theo gia đình chồng nếu là ở chung cư. Từ chuyện ăn uống, đi đứng, cách ăn mặc, trang điểm… người con dâu luôn được góp ý kiến.
Hai thế hệ khác nhau, tư duy và phong cách cũng khác nhau, bắt người con dâu luôn tuân theo ý muốn của nhà chồng thì quả có chút khó xử. Đấy là chưa nói đến việc sau khi sinh con, mẹ chồng cũng sẽ can thiệp vào việc chăm sóc và dạy dỗ cháu. Dĩ nhiên là người chồng yêu thương và cố gắng chiều chuộng, an ủi vợ, nhưng mẹ chồng thì luôn đặt con trai mình lên hàng đầu.
Nhưng tập thích nghi với nếp sống mới không chỉ có các nàng dâu, còn những bà mẹ chồng nữa. Mang nặng đẻ đau đứa con trai, yêu thương và hy sinh thật nhiều và giờ đây phải chia sẻ tình thương của con với người khác.
Hơn thế nữa, con dâu còn có quyền can thiệp vào vấn đề tài chính của con trai mình. Với những bà mẹ đặc biệt cưng con từ nhỏ, đây chẳng phải là một chuyện đơn giản để thích nghi trong thời gian ngắn.
Hai người phụ nữ cũng hết lòng yêu thương và chăm sóc một người, hẳn phải có không ít những ý kiến khác biệt. Cũng là một tình yêu thương vô bờ nhưng cách thức bày tỏ tình cảm dĩ nhiên sẽ khác nhau. Một người mẹ thấy con mình phải ăn qua loa cho đủ bữa vì con dâu quá bận rộn, sẽ khó tránh khỏi cảm thấy khó chịu và xót xa.
Người làm cha làm mẹ nào cũng muốn những điều tốt đẹp nhất cho con cái mình, luôn muốn lo lắng và bảo bọc cho con và nghĩ rằng chỉ có mình mới hiểu rõ và yêu thương con mình nhất. Mỗi người một lý lẽ và một nỗi lòng riêng – đó cũng là một phần dẫn đến những mâu thuẫn mẹ chồng con dâu không hồi kết.
Những cảm giác khó chịu luôn trở thành những rào cản khiến mẹ chồng, nàng dâu không thể hòa thuận, nhưng họ không phải là người khó xử nhất. Là một người con trai – là chồng, một bên là mẹ - một bên là vợ, người con trai đứng giữa hai người phụ nữ quan trọng nhất của đời mình, làm sao có thể đứng về một phía.
Một trong hai người không vui thì bản thân có thể thấy thoải mái chăng? Sự đối lập giữa mẹ và vợ luôn làm người chồng đau đầu, chỉ mong muốn sao cho mẹ và vợ hiểu nhau. Đặc biệt là vào những dịp lễ lớn trong năm và nhất là vào dịp Tết Nguyên đán, nếu mọi chuyện trong nhà được suôn sẻ, cùng nhau vui vẻ đón Tết thì còn gì bằng.
Nhưng chuyện không đơn giản như ta vẫn nghĩ. Nếu như mọi người cùng chung sống dưới một mái nhà thì sẽ không gặp tình trạng phân vân giữa ở và về nhà chồng ngày Tết.
Cho dù là vợ chồng dọn ra ở riêng, nhưng không cách xa nhà chồng quá thì vấn đề này cũng không đáng phải lôi ra để suy ngẫm. Nhưng sự việc hoàn toàn khác đi khi cặp vợ chồng sinh sống trên những thành phố tấp nập và nhà chồng thì ở tận những tỉnh thành nhỏ.
Nếu mỗi người chịu nhường một bước thì mọi chuyện sẽ dễ dàng được giải quyết.
(ảnh minh họa)
Rời bỏ những tiện nghi của thành phố hiện đại để bước về những khoảng không nhỏ hơn và đơn thuần hơn, cho dù là ít ngày thì các nàng dâu thành phố cũng cảm thấy có chút khó chịu và bất tiện.
Lễ lạt được nghỉ, họ chỉ muốn được thư giãn cùng chồng con chứ không muốn lại phải đi hầu ai khác. Hơn nữa, từng lời ăn tiếng nói cử chỉ của họ cũng sẽ được theo dõi và góp ý. Họ đã chịu nhiều áp lực từ công việc nên chẳng muốn phải tiếp tục bị gò bó trong những ngày nghỉ lễ, dịp Tết.
Về thì bản thân khó chịu, không về thì gia đình chồng và ngay cả chồng cũng sẽ có ý kiến. Nếu chồng không vui thì bản thân cũng khó lòng yên tâm mà ăn Tết. Và nếu chỉ vì mình mà gia đình chồng không đón được một cái Tết trọn vẹn thì chẳng phải người con dâu đã làm hỏng một năm mới tốt lành của mọi người sao?
Chỉ cần nghĩ đến thôi thì các nàng dâu cũng đủ khiếp sợ cái Tết mà người ta vẫn luôn cho là vui vẻ và ấm áp nhất.
Kết
Tết nhất đến nơi, nếu đã không được nghỉ ngơi mà còn phải gặp chuyện bực nhọc thì chẳng ai có đủ tâm trạng để đón Tết cả. Suy cho cùng, những mâu thuẫn không đáng có mẹ chồng nàng dâu cũng xuất phát từ việc hai bên không thấu hiểu nhau.
Nếu mỗi người chịu nhường một bước thì mọi chuyện sẽ dễ dàng được giải quyết. Tết đang cận kề và cho dù bận rộn đến mức nào thì mọi người vẫn nên thả lỏng để cảm nhận được không khí nhộn nhịp ngày Tết hơn là phải lo nghĩ về những vấn đề và sự hiểu lầm không đáng có.
Tết là một dịp để mọi người sum vầy, chia sẻ hạnh phúc và may mắn cùng nhau. Cho dù các nàng dâu có sợ và muốn tránh khỏi khoảng thời gian này thì đó cũng là một điều bất khả thi.
Ngày nay, chuyện mẹ chồng và nàng dâu hòa thuận yêu thương nhau cũng không phải là một điều hiếm hoi. Thay vì phải bực nhọc, hãy thoải mái đón nhận nó biết đâu được mọi chuyện không xấu như mình nghĩ.
Năm mới ai cũng cầu mong những điều tốt đẹp nhất, thế nên dĩ hòa vi quý để gia đình luôn được vui vẻ, hòa hợp.
Bài viết được sưu tầm từ:
Nguồn: www.eva.vn
Tác giả: Theo Mẹ Yêu Bé
Lên đầu trang