Lễ cưới của người Việt xa xứ

Mỗi nước trên thế giới đều có những phong tục cưới riêng, đó là một nét văn hóa truyền thống nên khi sống hay kết hôn với người thuộc quốc gia khác thì họ vẫn lưu giữ văn hóa của dân tộc mình. Người Việt đang sinh sống tại các quốc gia trên thế gới cũng vậy, họ vẫn luôn giữ tập tục cưới hỏi mang đậm nét Việt.
Thiệp mời thường được cô dâu chú rể gửi cho khách trước hai, ba tháng
Những người Việt tại Mỹ sống trong xã hội phương Tây hiện đại, tiếp thu nền văn hóa mới nơi xứ người nhưng họ vẫn lưu giữ những tục lễ cưới của quê hương. Khi quyết định kết hôn, công đoạn chuẩn bị của các cô dâu chú rể Việt tại Mỹ thường diễn ra rất sớm. Họ gửi thiệp mời cho người thân, họ hàng từ trước tận hai hoặc ba tháng. Không giống như thường lệ ở Việt Nam, chỉ sau khi nhận được thư phúc đáp khẳng định tham dự lễ cưới của khách mời thì các đôi uyên ương mới lên danh sách và đặt tiệc. Ngoài ra, quan niệm chọn ngày lành tháng tốt của họ cũng không thay đổi. Trước ngày cưới, các bậc phụ mẫu sẽ xem và chọn ngày, giờ lành để tổ chức đám cưới và hôn lễ thường diễn ra vào dịp cuối tuần.
Lễ cưới của họ cũng không khác nhiều so với lễ cưới tại Việt Nam. Đàn trai chu đáo chuẩn bị các sính lễ đem sang nhà gái như: tráp, bánh cưới, rượu,… Đôi uyên ương cùng làm lễ, thắp hương cho ông bà tổ tiên tại hai bên gia đình.
Cô dâu Việt sống tại Mỹ thường mặc áo dài truyền thống khi làm lễ
(Ảnh mang tính chất minh họa
Cô dâu Việt thường mặc trang phục truyền thống trong lễ cưới của mình nên ngoài việc chọn bộ váy theo phong cách phương Tây hiện đại khi đãi tiệc thì hầu hết các cô dâu vẫn mặc áo dài khi làm lễ vu quy.
Lễ cưới của cộng đồng người Việt tại Nga cũng vậy. Khó có ai lại nghĩ không khí đám cưới của họ lại rộn ràng và đậm nét Việt như thế. Khâu chuẩn bị của tân lang, tân nương cũng tương tự như những đám cưới ở vùng đồng bằng Bắc Bộ Việt Nam. Thường thì trước ngày cưới, người thân, bạn bè của cô dâu chú rể đều đến và chung tay làm cỗ với những công việc cụ thể. Đàn ông và thanh niên thì mổ lợn, giết gà. Phụ nữ thì nhặt rau, làm xôi,... Thực đơn bàn tiệc có cả những món ăn không thể thiếu trong ngày cưới như giò, chả, gà, măng, xôi gấc,… Đó là đối với những đôi có sẵn không gian để đãi tiệc tại gia. Nếu không, địa điểm đãi tiệc có thể là ở hội trường ký túc xá của sinh viên Việt Nam hoặc các nhà hàng Việt cũng như nhà hàng Nga.
Mâm cỗ cưới của người Việt sống tại Nga
(Ảnh mang tính chất minh họa)
Nghi lễ rước dâu cũng diễn ra theo tập tục. Nhà trai thường đón dâu vào lúc chiều, một thiếu nữ trẻ được chọn đi trước, chú rể và đoàn đón dâu đi sau. Lúc đó, nhà gái sẽ cử những người thân quen trong gia đình ra để đón khách. Đại diện nhà gái nhận lễ và chấp nhận lời xin dâu của đàn trai, sau đó thắp hương trước bàn thờ tổ tiên. Rước dâu hoàn tất, cả hai họ xuống đoàn xe để đi tham quan thành phố, thường kéo dài từ một đến hai tiếng. Từ năm đến sáu giờ chiều, khách và hai họ được mời về hôn trường, cô dâu chú rể sẽ ngồi ở vị trí sang trọng nhất. Cũng như lễ cưới ở Việt Nam, cha bác đại diện hai bên đều được mời lên phát biểu, rồi những bài hát, tiếng nhạc, các tiết mục cây nhà lá vườn cũng rộn ràng vang lên với sự góp vui của người thân, bạn bè hai bên.
Sau khi lễ cưới kết thúc, những người con đất Việt sống xa xứ lại tiếp tục hòa nhịp với cuộc sống nơi xứ người vào ngày mới. Nhưng có lẽ những khoảnh khắc, dấu ấn chuẩn bị cho một lễ cưới đậm nét truyền thống sẽ mãi in dấu trong họ và lại được lưu giữ ở các đôi uyên ương mới sau này.
(Theo: đời sống pháp luật.com.vn và báo đất việt.vn)
Lên đầu trang