![]() |
Ảnh minh họa: Internet |
Trường hợp 1: Cha mẹ là người chủ chi
Theo
quan niệm của nhiều gia đình Việt Nam ngày trước, cha mẹ thường đứng ra
lo đám cưới cho con cái nên cũng kiêm luôn người chi trả và quản lý
tiền mừng đám cưới. Lợi thế của phương thức này là cô dâu chú rể không
bị áp lực tài chính, không phải tính toán chi tiêu. Mọi việc liên quan
đến con số rắc rối đã có người khác lo giúp, họ chỉ việc thoải mái giữ
tinh thần thật tốt để trở thành cô dâu rạng ngời, đẹp nhất, chú rể điển
trai trong ngày trọng đại của mình.
![]() |
Khi lên kế hoạch cưới, cặp vợ chồng tương lai và hai bên gia đình phải dự trù kinh phí tổ chức tiệc cưới để có hướng lựa chọn các dịch vụ cưới cho phù hợp |
Tuy vậy, cách làm này đôi khi khiến
nhiều đôi uyên ương rơi vào thế bị động. Khi là người chi trả tiền đám
cưới, cha mẹ đương nhiên cũng quyết định tất cả các dịch vụ cưới hỏi,
đặt tiệc nhà hàng, quản lý tiền mừng trong tiệc cưới. Cô dâu chú rể ít
có cơ hội lựa chọn các dịch vụ theo ý của mình. Nếu muốn thay đổi, họ
phải lựa lời thật khéo léo.
Truyền
thống xưa thường đặt gánh nặng cưới xin lên vai nhà trai. Bố mẹ chú rể
đứng ra lo đám cưới cho con. Nhưng hiện nay nhiều gia đình nhà gái đôi
khi có kinh tế dư dả không kém, đôi khi còn nhiều hơn. Vì vậy, việc chi
trả tiền đám cưới giữa hai gia đình cũng cần bàn bạc kĩ. Nhiều gia đình
thông gia muốn hỗ trợ cho con cái trong ngày trọng đại nhưng có sự chênh
lệch về tài chính, các mối quan hệ xã hội,… đã chọn giải pháp mỗi nhà
trả tiền tiệc theo số lượng khách của mình. Ở bàn lễ tân cũng có hai
thùng tiền mừng dành cho nhà trai và nhà gái riêng. Cách này có thể làm
người trong cuộc và cả người ngoài nhìn vào thấy hơi sòng phẳng quá
nhưng cũng giúp giải quyết vấn đề tế nhị giữa hai gia đình.
Trường hợp 2: Cha mẹ phần lớn, con cái phần nhỏ
Trong
trường hợp hai bạn trẻ chỉ có khả năng tài chính đủ để chi tiêu các
khoản nhỏ thì nên xin phép cha mẹ cho mình tự quyết định các phần như
chọn trang phục cưới, chụp ảnh cưới,… còn lại phần tiền tiệc cưới cha mẹ
đứng ra chi trả. Hoặc cha mẹ cho con cái một khoản tiền nhất định để tổ
chức đám cưới, phần còn lại con cái tự lo. Cách làm này giúp cô dâu chú
rể bớt được gánh nặng tài chính và được đóng góp công sức chuẩn bị cho
đám cưới của mình.
Trường hợp 3: Con cái tự lo đám cưới
Với
xu thế độc lập của giới trẻ hiện nay, việc cô dâu chú rể tự lo tiền tổ
chức đám cưới của mình ngày càng nhiều. Họ đứng ra lo liệu tất cả mọi
việc. Cách làm này khiến hai người hơi vất vả nhưng bù lại có được ngày
vui theo như ý của mình.
![]() |
Với xu thế độc lập của giới trẻ hiện nay, việc cô dâu chú rể tự lo tiền tổ chức đám cưới của mình ngày càng nhiều |
Cách đơn giản nhất là cô dâu chú rể tính tổng số tiền dự trù tổ chức đám
cưới, sau đó chia đôi hoặc mỗi người góp tỉ lệ theo khả năng của mình.
Cô dâu chú rể nên liệt kê càng chi tiết càng tốt các khoản tiền cần phải
chi trong đám cưới. Theo ý kiến riêng của Marry, mỗi quyết định trong
đám cưới cần có sự thống nhất của hai bên, sau đó chia việc theo khả
năng của mỗi người. số tiền góp chung có thể gửi vào một tài khoản ngân
hàng, ai cần chi tiêu thì rút tiền ra. Hoặc cả hai cùng ghi vào cuốn sổ,
hoặc file excel, hoặc email… những khoản tiền mình đã chi để cả hai
cùng nắm được tình hình tài chính. Chú rể nên là người lo các phần đặt
cọc tiền tiệc, thuê xe, chụp hình… Cô dâu đảm nhiệm phần mua sắm trang
phục cưới, trang trí nhà cửa cho lễ rước dâu – vu quy, hoa cưới, trang
trí tiệc cưới… vì phụ nữ thường tỉ mỉ và cẩn thận hơn nam giới.
![]() |
Ảnh minh họa: Internet |
Phần nhà trai và chú rể:
- Nhẫn cưới, nữ trang cưới cho cô dâu
- Hoa cưới và hoa cài áo cho bố mẹ chú rể, cô dâu, người chủ hôn của hai họ.
- Trang phục cưới cho chú rể (vest, giày, cravat…).
- Trang phục cho bố mẹ và người thân.
- Chi phí trang điểm, làm tóc cho mẹ chú rể, các phụ nữ trong gia đình.
- Trang trí nhà cửa (thuê cổng hoa, bàn ghế, dựng rạp…).
- Trái cây, bánh kẹo, nước uống trong lễ thành hôn.
- Mâm quả.
- Thuê người bưng quả hoặc tiền lì xì cho người bưng quả.
- Thuê xe hoa.
- Thuê xe (16 – 50 chỗ) cho họ hàng đi rước dâu.
- Chi phí đi lại, ăn ở cho họ hàng nhà trai ở xa đến dự lễ cưới.
- Tiệc cưới (tùy theo cách phân chia của hai gia đình).
- Tiệc thành hôn (nếu rước dâu buổi sáng và đãi tiệc ở nhà hàng vào buổi chiều). Bữa ăn sáng, hoặc ăn xế cho gia đình trong ngày cưới
![]() |
Mâm quả là một phần chi phí quan trọng trong tổng chi phí đám cưới. Ảnh: Vietnam Wedding Planner |
Phần nhà gái và cô dâu:
- Nữ trang cưới cho cô dâu.
- Trang phục cưới cho cô dâu (áo dài, váy cưới, giày…).
- Chi phí trang điểm, làm tóc cho cô dâu.
- Spa, chăm sóc tóc, cơ thể cho cô dâu trước ngày cưới.
- Chi phí trang điểm, làm tóc cho mẹ cô dâu, các phụ nữ trong gia đình.
- Trang trí nhà cửa (thuê cổng hoa, bàn ghế, dựng rạp…).
- Trái cây, bánh kẹo, nước uống trong lễ vu quy.
- Thuê người bưng quả hoặc tiền lì xì cho người bưng quả.
- Thuê xe (16 – 50 chỗ) cho họ hàng đi đưa dâu.
- Chi phí đi lại, ăn ở cho họ hàng nhà gái ở xa đến dự lễ cưới.
- Tiệc cưới (tùy theo cách phân chia của hai gia đình).
- Tiệc đám hỏi mời nhà trai (nếu đám hỏi và đám cưới tổ chức khác nhau).
- Bữa ăn sáng, hoặc ăn xế cho gia đình trong ngày cưới
![]() |
Trang điểm cô dâu, trang phục cưới,... là phần nhà gái và cô dâu chi trả. Ảnh: Chương Bùi |
Phần cô dâu và chú rể:
- Thiệp cưới.
- Chụp ảnh trước khi cưới.
- Quay phim, chụp hình cho đám cưới.
- Chi phí cho tuần trăng mật
Lưu ý:
Thái
độ khi đề cập đến chuyện tiền bạc trong đám cưới rất quan trọng vì đây
là vấn đề khá nhạy cảm, nếu cư xử không khéo sẽ nảy sinh những hệ lụy
không đáng có.
Trước hết, cô dâu chú
rể cần có sự trao đổi thẳng thắn với nhau trước về tình hình tài chính
của hai bên. Sau đó, báo cáo với cha mẹ để mọi người cùng trao đổi người
chi trả các khoản tiền.
Nếu tự chi
trả tiền cưới, cô dâu chú rể cần có thái độ lễ phép, hòa nhã trong quá
trình chuẩn bị tiệc cưới, tránh để cha mẹ có tâm lý bị con cái xem
thường.
![]() |
Ảnh minh họa: Internet |
Nếu không đủ trả tiền tiệc
ngay, cô dâu chú rể có thể nhờ người thân tin cẩn lấy tiền trong thùng
tiền mừng trả nốt phần còn lại. Trong trường hợp thiếu hụt, nhiều nhà
hàng cho phép cô dâu chú rể trả nốt số tiền còn lại vào ngày hôm sau nên
không nên có tâm lý quá lo lắng.
Trong
lúc kiểm tiền mừng, nhớ giữ lại phong bì và ghi chú số tiền mừng lên đó
để bố mẹ và hai vợ chồng biết được bạn bè đã mừng như thế nào, sau này
còn trả lễ lại cho trọn vẹn.
Luôn
để dành thêm một khoản tiền dự trữ cho những chi phí phát sinh không ngờ
tới. Tuy vậy, luôn ý thức tiết kiệm trong chi tiêu, tính toán chặt chẽ
số lượng khách mời, nơi đặt tiệc để không mang nợ sau đám cưới.
Thái Dũng
Ảnh minh họa: Internet