Hôn lễ không có người đại diện họ là không xong. Cưới hay gả, mỗi nhà
sui đều có một vị đại diện “làm MC” cho mình. Họ đĩnh đạc, nói năng lưu
loát, họ hàng thơm lây. Họ “cà giựt” sẽ đưa hôn chủ, dâu rể “lên bờ
xuống ruộng”.
 |
Ảnh minh họa: Internet |
Thông thường, người đại diện họ là những quý ông cao niên, uy tín, ăn
nói rành rẽ và có quan hệ gần gũi với gia đình hôn chủ. Trong thực tế,
bất đắc dĩ lắm, hôn chủ mới mời người trẻ tuổi hơn mình làm người đại
diện họ, vì rất ngại “ông trẻ” ăn nói trật chìa. Lo xa là vậy, song
nhiều vị trưởng họ cũng tạo ra lắm bi, hài trong ngày vui lứa đôi.
1. Ông Hai Hùng (55 tuổi, ngụ quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) có vai trò
“quyền huynh thế phụ” trong gia đình đông anh em bởi phụ thân của ông đã
mãn phần. Bà con nội ngoại đều ở xa. Tháng 10 rồi ông đứng ra gả con
gái đầu lòng và vì kẹt người quá nên nhờ em ruột làm đại diện họ nhà
gái. Biết em trai có tính hay tếu táo nên trước khi vào lễ, Hai Hùng kéo
ông em ra ngoài dặn dò kỹ: “Chú nhớ hôm nay mặc áo trưởng họ đấy nhé,
quan trọng lắm nên phải ăn nói cho đàng hoàng, cà rỡn ở đâu chứ lúc hành
lễ mà nói năng ba xàm thì chết với anh”.
 |
Ảnh minh họa: Internet |
Nghe anh trai dặn dò, Tư Minh tuân lệnh răm rắp, đầu gật lia lịa. Họ
đàng trai đến và người đại diện bên ấy đã xong phần việc. Đến phiên
mình, Tư Minh mở đầu khẩu khí rất ngon, sui gái Hai Hùng vui ra mặt,
không ngờ chú em trai mình hôm nay làm trưởng họ êm quá. Đang vui, bỗng
gương mặt Hai Hùng chuyển nhanh từ đỏ sang tím rồi tái mét khi nghe Tư
Minh tài lanh bỏ nhỏ với chú rể: “Mày biết không, ba vợ của mày hồi nhỏ
là chuyên môn trốn học đi cua gái, thi rớt hoài, 15, 16 tuổi đã bị thiên
hạ mắng vốn vì tội chim chuột rồi. Ổng hôm nay ngó bộ nghiêm nghị vậy
chớ trước đây lóc chóc thấy bà. Mày là rể đừng bắt chước ba vợ không
khéo cháu gái tao đá lọt xuống sàn nghe không!”…
Ông sui gái Hai Hùng ức quá, móc điện thoại ra nhá nhá mấy cái rồi
nhắn một “phát” chí tử vào điện thoại di động Tư Minh: “Chú mày giết tao
rồi. Sao mày lại bêu riếu tao nơi 2 họ hàng đình đám này. Tao từ mày
luôn đồ trưởng họ mắc dịch, cà chớn…”.
2. Người dân sông nước miền Tây, ngoài tên trong hộ khẩu còn có tên
tục gọi thân mật ở nhà. Tên tục khi là “thằng Đẹt”, “con Thọt”, “cu
Đen”…phát xuất từ khi dâu rể còn là nít ranh. Tuy vậy, lớn lên khi đến
tuổi lập gia đình, bên cạnh tên khai sinh, tên tục vẫn thường đeo đẳng
mỗi người.
 |
Ảnh minh họa: Internet |
Út Lép quê huyện Cầu Ngang (Trà Vinh) cũng không là ngoại lệ, cho dù
tên khai sinh của anh là Lê Thanh Minh rất đẹp. 30 tuổi cao to, đẹp
trai, Thanh Minh đi cưới vợ. Cô dâu thuộc dạng đẹp người nên cặp này
nhìn hình thức thì khỏi phải bàn. Ngày rước dâu gia đình Thanh Minh nhờ
ông Bảy Đờn gần nhà làm người đại diện họ nhà trai. Trên đường sang nhà
gái, chú rể cứ nhắc tới nhắc lui: “Bác Bảy nhớ dùm con tên là Lê Thanh
Minh, chứ bác mà giới thiệu chú rể là Út Lép thì con ná thở” – “Ừ thằng
này nhắc hoài, tao nhớ mà, mầy hôm nay là thằng Minh chứ không phải Út
Lép”.
Vào nhà gái sau khi trình xong sính lễ, ông Bảy lớn tiếng tuyên bố:
“Hôm nay chú rể Út Lép sang đây rước cô Trần Thị Hồng Dung dìa nhà mình.
Bây giờ tui đề nghị cô dâu bước ra và xin bà con hai họ một tràng pháo
tay cho đôi trẻ sắt cầm bền lâu, bách niên giai lão”. Thấy con trai chết
trân nơi “trận tiền” họ nhà gái, ông sui trai kề tai ông Bảy thầm thì:
“Anh Bảy à, nó là Lê Thanh Minh mà sao anh cứ gọi Út Lép hoài nó sượng
ngắt rồi kìa” – “Ừ hé, tui quên để tui nói lại: Kính thưa đông đảo bà
con hôm nay, thằng rể Lê Thanh Minh tự Út Lép xin được rước dâu. Đại
diện họ nhà trai tui kính báo…”. Đúng là “bó tay chấm com” ông Bảy Đờn
dặn trước quên sau này!
(Theo ThanhNien)