Cách chọn và gìn giữ vải lụa

Lụa là chất liệu đặc biệt được yêu thích và thường được dùng để may áo dài. Các cô dâu thích vải lụa vì chất liệu mềm mại, mỏng, nhưng vẫn rất đứng dáng khi lên áo dài. Tuy nhiên, không phải ai cũng phân biệt được hàng thật được dệt tại quê lụa và hàng nhập từ Trung Quốc. Ngay cả khi bạn tìm đến làng dệt lụa cũng chưa chắc mua được hàng thật.
Ảnh: Nupakachi Đỗ
Phân biệt lụa Vạn Phúc với hàng Trung Quốc
Cô Vân, chủ một cửa hàng tại làng lụa Vạn Phúc cho biết, rất khó tìm được lụa "xịn" tại các cửa hàng vì hầu hết là hàng Trung Quốc, trừ khi có người quen dẫn đến tận nhà những người dệt vải. Người dân tại Vạn Phúc truyền nhau một cách đơn giản để phân biệt lụa tơ tằm với hàng Trung Quốc: Lụa Trung Quốc thường pha nilon, dễ nhàu nhĩ và nhăn khi vò vào lớp vải, giá thành rẻ chỉ vài chục ngàn đồng một mét. Lụa Vạn Phúc thì ngược lại, khi vò và kéo, mép vải không bị xô.
Áo dài lụa thường tạo cảm giác mềm mại, nhẹ nhàng. Ảnh: Nupakachi Đỗ
 Ngoài ra, còn một số đặc điểm khác giúp bạn phân biệt được khi mua vải:
- Giá lụa nhập từ Trung Quốc chỉ từ 40.000 đồng tới 60.000 đồng mỗi mét, tùy loại, còn lụa Vạn Phúc từ 100.000 đồng trở lên.
- Lụa Trung Quốc dễ nhăn hơn so với lụa Vạn Phúc.
- Khi nhúng lụa Trung Quốc vào nước, vải nhanh nhũn, mềm và bị phai màu rất nhiều.
- Khổ lụa Trung Quốc thường rộng hơn 1m, trong khi đó lụa Vạn Phúc tối đa là 97 cm.
- Màu lụa Vạn Phúc không trắng tinh vì dệt từ tơ tằm, còn lụa Trung Quốc do pha nhiều chất liệu nên trắng hơn.
Khó phân biệt được lụa tơ tằm với hàng Trung Quốc. Ảnh: Luatotam.
Cách giữ gìn áo dài cho ngày cưới
Dù lụa có lợi thế là mềm mại, nhẹ nhàng, làm cô dâu quyến rũ khi mặc áo dài. Tuy nhiên, đây là loại vải kén người dùng và phải biết cách giữ gìn, nếu không muốn chiếc áo dài nhanh hỏng. Sau khi lấy áo dài ở hàng may về, cô dâu cần giặt qua một lần trước khi mặc trong đám hỏi hoặc đám cưới. Cách giặt như sau:
- Giặt bằng tay, có thể giặt bằng nước, không cần xà phòng.
- Khi giặt nên vò nhẹ tay và không vắt mạnh, tránh làm hỏng sợi tơ.
- Sau khi áo khô hoàn toàn mới bắt đầu là (ở nhiệt độ thấp) và treo lên.
Áo dài may từ lụa tơ tằm thường ít nhàu, mềm mại hơn. Ảnh: Non-Non.
Mỗi lần mặc xong (sau khi chụp ảnh cưới, sau lễ ăn hỏi...) cô dâu nên giặt ngay để tránh bị ố lớp vải lụa. Nếu định sử dụng lại áo dài sau ngày cưới, bạn càng nên cẩn thận và giữ gìn lớp lụa trên áo.
Thái An
Nguồn: Ngoisao.net
Lên đầu trang