Định nghĩa "môn đăng hộ đối" thời hiện đại?

Khá nhiều ý kiến đề cập đến vấn đề môn đăng hộ đối khi được hỏi về chủ đề 'Đám cưới xưa và nay'. Đúng là việc "môn đăng hộ đối" hay "cha mẹ đặt đâu con ngồi" đấy nay đã khác xưa....
Trước hết, Môn đăng hộ đối là gì?
Thực sự thì đây là khái niệm đã gây ra tranh cãi rất nhiều vì đây là một thành ngữ được mượn từ người Trung hoa. Nếu nói về chữ nghĩa thì có thể chỉ có người xưa mới biết. Còn nói về ngữ nghĩa thì đây đã là một định kiến khá ăn sâu vào văn hóa cưới hỏi của người Việt. Dịch một cách nôm na nhất có nghĩa là: Ngoài cửa có treo đèn và trong nhà có treo câu đối.
Ngày xưa đối với các gia đình khá giả, việc gả chồng cưới vợ cho con cái, bậc làm cha mẹ luôn muốn nơi con mình đến làm dâu, làm rể là một gia đình tương xứng với gia đình của mình, điều này thể hiện tính giai cấp, tầng lớp trong xã hội; nếu không thực hiện được điều này người làm cha mẹ thường lấy làm xấu hổ. Còn các gia đình nghèo khó thường không có khái niệm môn đăng hộ đối.
Môn đăng hộ đối thời nay còn hay mất?
Thực sự thì kết hôn có cần môn đăng hộ đối không? Đây là câu hỏi rất ít gặp ngày nay nhưng thiết nghĩ quan niệm này vẫn còn khá dai dẳng và được chia ra hai "trường phái" hoàn khác nhau.
Thiết nghĩ đây là một vấn đề cần được quan tâm một cách rõ ràng và được đặt đúng vị trí của nó. Một hôn nhân có bền vững hay không phụ thuộc rất nhiều yếu tố. Ông bà ta ngày xưa luôn có những lý lẽ riêng và những lý lẽ đó nếu xét lại vẫn đúng trong một số trường hợp nhất định. Thế nhưng, một cuộc hôn nhân chỉ có "đăng" và "đối" không mà không có tình yêu cũng thành tan vỡ. Một câu hỏi rất khó có câu trả lời chính xác và có khá nhiều tranh cãi.
Yêu trước, môn đăng hộ đối "tính" sau!
Ngày nay người trẻ đã tự lập trong suy nghĩ, cũng như không còn quá phụ thuộc vào gia đình. Họ quan niệm về tình yêu và hôn nhân cũng "văn minh" hơn. Để đến được với nhau họ có thể làm tất cả, những "chướng ngại" chỉ làm cho tình yêu của họ thêm thắm thiết hơn.
Hôn nhân cần phải có tình yêu. Đó là một định nghĩa và là một điều kiện tiên quyết để có được hạnh phúc thật sự cho một cuộc sống vợ chồng.
Sắc đẹp chỉ cần trong lễ cưới. Còn tình yêu? Ta cần nó suốt đời. - Ngạn ngữ Nga.
Đối với những cuộc hôn nhân không có tình yêu, điều đó chẳng khác gì một sự giam cầm không có lối thoát. Sự tan vỡ là tất yếu. Một cuộc hôn nhân không ham muốn là một cuộc hôn nhân đã chết, không gì cứu vãn được.
"Bạn có thể lấy một người vì gia cảnh và cấp bậc của của người đó. Nhưng không thể sống chung với họ suốt đời." - Lanh.
Ðừng bao giờ cưới một người đàn bà không yêu mình, dù họ đem kho vàng đến tặng bạn. - Lope de Vega.
Không cần phải nói quá nhiều về kết cục của những cuộc hôn nhân không có tình yêu. Lúc này "môn đăng hộ đối" có làm cách nào cũng không làm gì được. Vậy thì tại sao phải xét tới vấn đề này khi đã yêu nhau chân thành?
Môn đăng hộ đối xuất phát từ tư tưởng "thực dụng"
Tất cả những biện minh cho khái niệm "môn đăng hộ đối" ngày nay  vẫn là vì tư tưởng "thực dụng" của con người. May thay, tư tưởng này cũng không còn quá nhiều. Hay còn vẫn là do xuất phát từ những gia đình khá giả và đầy định kiến.
Lối sống thực dụng của những con người giàu có, hay những cô gái giàu có biến họ thành những con người luôn kén chọn ngay cả trong tình yêu của mình. Bạn có thể gặp họ nhan nhản trên phố, trong quán bar, những sự kiện với ánh đèn chớp tắt... Họ chộp lấy những cơ hội để được đi cùng với những người giàu có và thành đạt để cho... xứng tầm.
Ở những gia đình khá giá ngày nay, việc chọn "dâu", "rể" cũng vẫn còn rất định kiến. Hãy hỏi những cô bạn hàng xóm của bạn. Hay một vài cô gái mà bạn biết, thể nào cũng có hết 90% lệ thuộc vào quan điểm "môn đăng hộ đối" của gia đình mình.
Hay muốn "nở mày nở mặt" với mọi người
Thanh, một chàng trai có học thức và trình độ không muốn bị người đời cười chê là “trông thế mà lại yêu/lấy cái con bé ấy” nên lúc nào anh cũng trong tình trạng cân đo đong đếm những người anh gặp. Cuối cùng thì trong khi bạn bè đã lấy vợ, sinh con, mình anh vẫn "lắm mối tối nằm không".
Môn đăng hộ đối thời hiện đại
Nếu bạn có vừa có tình yêu và vừa có cả "môn đăng hộ đối" thì quả là một người hạnh phúc. Nhưng nếu không có được thì sao? Liệu những khác biệt quá lớn về hai người có làm cho cuộc hôn nhân thành thảm họa và kết cục là "ly dị"?
Tất cả chúng ta đều biết rằng những vấn đề như điều kiện, gia cảnh, cấp bậc, vị trí trong xã hội đều có thể thay đổi được. Tình yêu thì không. Để có được tình yêu  là điều không phải là dễ dàng.
Làm việc để kiếm tiền, nhưng lấy nhau nên lấy vì tình. - Tục Ngữ Jamaique.
Nhưng tiến tới hôn nhân vẫn cần xem xét những khía cạnh khác.  Không có một khuôn mẫu cân bằng cho bất kỳ hôn nhân nào. Hãy đứng trên phương diện bạn lấy người này làm vợ/làm chồng liệu bạn có thể hy sinh hoặc tôn trọng họ suốt đời?  Thay vì nghĩ lấy người này về bạn sẽ được và mất gì. Đừng để tư tưởng "môn đăng hộ đối" tiêu diệt tình yêu của bạn.
Theo: Marry.vn
(Nguồn ảnh: sưu tầm)
Lên đầu trang